cẩm nang số

về hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Hướng dẫn

[Dự án 01] Tổng hợp một số khái niệm và nguyên tắc chung

I. TỔNG HỢP MỘT SỐ KHÁI NIỆM LIÊN QUAN

1. Hộ dân tộc thiểu số là hộ có chủ hộ hoặc có vợ, chồng của chủ hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật.

2. Nhà ở bị dột nát, hư hỏng là loại nhà tạm, nhà dột nát theo quy định của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện tiêu chí về nhà ở nông thôn (theo Công văn số 117/BXD-QHKT ngày 21/01/2015 về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí về nhà ở nông thôn): “Nhà tạm, nhà dột nát là loại nhà xây dựng bằng các vật liệu tạm thời, dễ cháy, có niên hạn sử dụng dưới 5 năm hoặc không đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng), thiếu diện tích ở, bếp, nhà vệ sinh theo quy định, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng”.

“3 cứng” (theo Thông tư 01/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng) như sau: “Nền – móng cứng” là: Móng làm bằng gạch, đá hoặc bê tông cốt thép; nền nhà làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng – cát, bê tông, gạch lát; “Khung – tường cứng” bao gồm hệ thống khung, cột, tường: Khung, cột được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, gỗ bền chắc; tường xây gạch, đá hoặc làm từ gỗ bền chắc; “Mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp: Hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói hoặc lợp bằng các loại tấm lợp có chất lượng tốt (tôn, kẽm).

3. Hộ thiếu đất sản xuất là hộ thiếu trên 50% diện tích đất sản xuất theo định mức quy định của địa phương.

Phương pháp xác định hộ thiếu đất sản xuất được thực hiện theo quy định của UBND cấp tỉnh.

4. Đất sản xuất là đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10) thì nhóm đất nông nghiệp bao gồm: Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất nuôi trồng thủy sản. 

Địa phương cụ thể hóa đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn:“Đất sản xuất” là đất ruộng lúa nước 1 vụ, đất ruộng lúa nước 2 vụ, đất vườn, bãi, nương, rẫy và đất nuôi trồng thủy sản.

5. Địa bàn đặc biệt khó khăn bao gồm: xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc vùng đồng bào DTTS&MN.

II. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, theo định mức cho một số đối tượng chính sách thuộc nội dung đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia để tự thực hiện đầu tư, không quản lý theo hình thức dự án đầu tư. Tài sản hình thành sau đầu tư không là tài sản công.

2. Mục tiêu, nội dung, đối tượng, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của từng chính sách thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Điều kiện, yêu cầu kỹ thuật (nếu có) của từng chính sách thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.

3. Tổng hợp, rà soát, thẩm định và quyết định danh sách đối tượng hỗ trợ:

Ủy ban nhân dân cấp xã công khai thông tin chính sách, rà soát, thẩm định, tổng hợp Danh sách đối tượng chính sách có nhu cầu được hỗ trợ đảm bảo phù hợp với nội dung, đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí theo quy định từng chính sách, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt danh sách đối tượng chính sách.

Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương có trách nhiệm công khai danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách, mức hỗ trợ theo từng nội dung chính sách hỗ trợ tại trụ sở làm việc.

4. Tổ chức rút dự toán, thanh toán cho đối tượng chính sách:

Căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm được cơ quan có thẩm quyền giao, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước để thanh toán trực tiếp bằng tiền cho đối tượng chính sách theo từng lần thanh toán. Trường hợp sau 30 ngày rút dự toán chưa hoàn thành thanh toán cho đối tượng chính sách, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm nộp lại Kho bạc Nhà nước số tiền chưa được thanh toán.

Việc thanh toán vốn thực hiện chính sách đất ở, đất sản xuất cho một (01) đối tượng chính sách chỉ thực hiện một lần duy nhất bằng 100% mức hỗ trợ. Việc thanh toán hỗ trợ xây mới nhà ở trong thực hiện chính sách nhà ở cho một (01) đối tượng chính sách thực hiện hai lần; thanh toán lần đầu (lần 1) sau khi đối tượng chính sách hoàn thành phần móng nhà ở, mức thanh toán tối đa không quá 70% mức hỗ trợ theo quy định; thanh toán phần còn lại của mức hỗ trợ (lần 2) sau khi đối tượng chính sách hoàn thành xây mới nhà ở.

Việc thanh toán các chính sách hỗ trợ khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tiến độ, điều kiện thanh toán cho một (01) đối tượng chính sách một lần duy nhất, hoặc phân kỳ thanh toán nhưng không quá hai (02) lần. Trường hợp phân kỳ thanh toán, thực hiện thanh toán lần đầu (lần 1) sau khi đối tượng chính sách đã hoàn thành một khối lượng công việc nhất định theo tiến độ, mức thanh toán tối đa không quá 70% mức hỗ trợ theo quy định; thanh toán phần còn lại của mức hỗ trợ (lần 2) sau khi đối tượng chính sách hoàn thành việc đầu tư.

5. Lập hồ sơ theo dõi tiến độ thực hiện chính sách và hồ sơ thanh toán cho đối tượng chính sách:

Hồ sơ theo dõi tiến độ thực hiện chính sách bao gồm: Sổ theo dõi tiến độ thực hiện của đối tượng chính sách từ thời điểm hỗ trợ lần đầu đến thời điểm hoàn thành thanh toán, quyết toán vốn hỗ trợ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã; bản sao (được công chứng) giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất mang tên đối tượng chính sách được cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc biên bản xác nhận kết quả nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành theo tiến độ giữa Ban quản lý xã và từng đối tượng chính sách theo Mẫu số 01 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP; các tài liệu khác có liên quan theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu có); hồ sơ thanh toán; danh sách đối tượng chính sách ký nhận tiền hỗ trợ và chứng từ xác nhận việc thanh toán. Hồ sơ theo dõi tiến độ thực hiện chính sách được lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Hồ sơ thanh toán bao gồm: Giấy đề nghị thanh toán theo Mẫu số 02 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP, bảng kê danh sách các đối tượng chính sách và mức hỗ trợ cho hộ gia đình (có ký xác nhận của đối tượng chính sách, hoặc người được đối tượng chính sách ủy quyền, hoặc chủ hộ gia đình) theo Mẫu số 03 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP; kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm được cấp có thẩm quyền giao, danh sách các đối tượng chính sách được hỗ trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hồ sơ thanh toán được lập thành 02 bộ, 01 bộ gửi Kho bạc Nhà nước để rút dự toán thanh toán cho đối tượng chính sách; 01 bộ lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

6) Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện đầu tư của các đối tượng chính sách. Trường hợp đến hết giai đoạn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, đối tượng chính sách đã nhận thanh toán lần đầu nhưng chưa thực hiện các thủ tục thanh toán phần còn lại theo định mức, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo bằng văn bản đến đối tượng chính sách yêu cầu thực hiện các thủ tục nghiệm thu kết quả đầu tư, làm thủ tục thanh toán vốn còn lại của mức hỗ trợ theo quy định.

Sau ba (03) lần thông báo, đối tượng chính sách không thực hiện các thủ tục nghiệm thu kết quả đầu tư, thanh toán vốn hỗ trợ còn lại, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quyết toán số tiền đã thanh toán; không thanh toán số tiền hỗ trợ còn lại (nếu có) của đối tượng chính sách.

7. Thanh toán, quyết toán vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, các quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, Nghị định số 38/2023/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

III. PHỤ LỤC CÁC BIỂU MẪU VÀ VĂN BẢN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN

1. Sổ tay và phụ lục

2. Văn bản pháp luật liên quan