cẩm nang số

về hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Hướng dẫn

[Dự án 01] Quy trình thực hiện dự án

Quy trình thực hiện Dự án 1 bao gồm các bước: (1) Rà soát, lập danh sách đối tượng; (2) Thẩm định, phê duyệt danh sách đối tượng; (3) Thực hiện hỗ trợ.

1. Bước 1: Rà soát, lập danh sách đối tượng

Căn cứ Kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 của UBND huyện, cấp xã; Quyết định phê duyệt kết quả rà soát, thống kê hộ nghèo của năm trước năm kế hoạch (ví dụ: rà soát, lập danh sách đối tượng để thực hiện kế hoạch năm 2023 thì căn cứ kết quả rà soát, thống kê hộ nghèo năm 2022); đối tượng thụ hưởng Dự án 1 có nhu cầu hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán (quy định tại Quyết định số 1719/QĐ- TTg) và đối tượng ưu tiênđể thực hiện.

1.1. Tại thôn

Hằng năm, UBND cấp huyện giao cơ quan trực thuộc chủ trì, hướng dẫn, chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện rà soát đối tượng trên địa bàn xã/thị trấn theo từng thôn (thời gian cụ thể theo quy định của UBND cấp tỉnh).

a) Công chức được giao nhiệm vụ phối hợp với Trưởng thôn tổ chức họp để phổ biến nội dung chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg để lập danh sách hộ nghèo thuộc đối tượng được hỗ trợ có nhu cầu hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán trong thôn (viết tắt là danh sách đối tượng thụ hưởng Dự án 1).

b) Trên cơ sở danh sách đối tượng thụ hưởng Dự án 1, tổ chức bình xét, đề xuất danh sách đối tượng được hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán theo thứ tự ưu tiên gửi đến UBND xã để xem xét, rà soát, tổng hợp và lập danh sách đối tượng trên địa bàn cấp xã.

Cuộc họp bao gồm đại diện Lãnh đạo UBND xã, công chức được giao nhiệm vụ, Trưởng thôn (chủ trì cuộc họp), Bí thư Chi bộ thôn, đại diện các đoàn thể chính trị – xã hội thôn (Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Ban Công tác Mặt trận thôn và đại diện của các hộ nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng Dự án 1 trong thôn; mời đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã giám sát.

c) Hộ được đưa vào danh sách đối tượng đề xuất hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán phải được trên 50% số người tham dự cuộc họp đồng ý (theo hình thức biểu quyết giơ tay).

Lưu ý: Tại cấp thôn, sau khi bình xét, biểu quyết thông qua và xác định được các hộ đưa vào danh sách đối tượng đề xuất hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán, công chức được giao nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp cho các hộ đăng ký nhu cầu hỗ trợ và phương thức thực hiện hỗ trợ (nhận hỗ trợ bằng tiền hoặc nhận hiện vật) theo từng nội dung (đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán) và lập danh sách các hộ, gửi UBND cấp xã làm cơ sở để UBND cấp xã xác định phương thức thực hiện việc hỗ trợ, đảm bảo phù hợp với khả năng thực hiện của người dân và nhu cầu hỗ trợ theo thực tế của từng hộ.

1.2. Tại cấp xã

a) Trên cơ sở danh sách đối tượng đề xuất hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán của từng thôn, UBND xã rà soát, tổng hợp, lập danh sách đối tượng đối với từng nội dung đề xuất hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán trên địa bàn xã và ban hành văn bản thông báo; thực hiện niêm yết công khai văn bản thông báo và danh sách này tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở UBND xã hoặc thông báo qua Đài truyền thanh xã trong thời gian tối thiểu 07 ngày. 

b) Hết thời hạn niêm yết công khai, UBND xã rà soát, tổng hợp và gửi báo cáo về UBND cấp huyện danh sách đối tượng thuộc diện được hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán trên địa bàn xã.

c) Thời gian hoàn thành việc rà soát, tổng hợp danh sách và gửi báo cáo của UBND cấp xã về Cơ quan chủ trì dự án cấp huyện (Thời điểm hoàn thành theo quy định của UBND cấp tỉnh)

2. Bước 2: Thẩm định, phê duyệt danh sách đối tượng (theo quy định của UBND cấp tỉnh)

 a) Trong thời hạn N1 ngày làm việc (theo quy định cụ thể của UBND cấp tỉnh), kể từ thời điểm nhận được báo cáo của UBND xã, UBND huyện giao Cơ quan chủ trì dự án cấp huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, liên quan rà soát, tổng hợp, thẩm định và trình UBND huyện phê duyệtdanh sách đối tượng thuộc diện được hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán trên địa bàn huyện (trường hợp phải điều chỉnh lại danh sách thì phải phê duyệt lại), gửi Quyết định phê duyệt về Cơ quan chủ trì dự án cấp tỉnh để theo dõi việc thực hiện và làm cơ sở phân bổ kế hoạch vốn năm sau.

Lưu ý: Nội dung thẩm định, gồm: Nhận xét, đánh giá về hồ sơ trình thẩm định của UBND cấp xã; sự phù hợp về trình tự, thủ tục thực hiện các bước rà soát, bình xét, lập danh sách đối tượng tại cấp thôn, cấp xã; sự phù hợp của đối tượng thụ hưởng, đối tượng ưu tiên; việc đăng ký nhu cầu hỗ trợ của người dân, mức hỗ trợ, phương thức thực hiện hỗ trợ và các nội dung khác theo quy định.

b) Thời gian hoàn thành phê duyệt danh sách đối tượng do UBND cấp huyện phê duyệt theo quy định của UBND cấp tỉnh

Lưu ý:  

 – Việc rà soát, lập và phê duyệt danh sách đối tượng phải đảm bảo các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT, Thông tư số 02/2023/TT-UBDT; đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở (tuân thủ quy chế dân chủ ở cơ sở), đúng đối tượng, đúng địa bàn, đúng định mức và không chồng chéo; xác định đối tượng theo thứ tự ưu tiên.

– Trường hợp phát sinh khiếu nại, tố cáo trong quá trình rà soát, lập và phê duyệt danh sách đối tượng thì việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật hiện hành có liên quan.

3. Bước 3: Thực hiện hỗ trợ

Căn cứ danh sách đối tượng thụ hưởng Dự án 1 trên địa bàn huyện được UBND huyện phê duyệt, các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện có liên quan, UBND cấp huyện chỉ đạo Cơ quan chủ trì dự án cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện việc hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng Dự án 1 theo đúng quy định.

PHỤ LỤC CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN

1. Biểu mẫu

2. Văn bản pháp luật

  • Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG
  • Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG
  • Quyết định 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ và cơ chế sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của CTMTQG;
  • Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/04/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện CTMTQG;
  • Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên
  • Thông tư số 40/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính: Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng
  • Thông tư số 152/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính: Quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng;
  • Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2023 Quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025;
  • Hướng dẫn số 4912/HD-NHCS ngày 30/06/2022 của Ngân hàng Chính sách Xã hội: Nghiệp vụ cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/04/2022 của Chính phủ;
  • Toàn văn Sổ tay hướng dẫn “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đồi nghề, nước sinh hoạt”