cẩm nang số

về hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Hướng dẫn

[Dự án 01] Quản lý thực hiện hoạt động “Hỗ trợ đất ở”

Căn cứ danh sách đối tượng thụ hưởng trên địa bàn huyện được UBND huyện phê duyệt, các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện có liên quan, UBND cấp huyện chỉ đạo Cơ quan chủ trì dự án cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện việc hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng theo đúng quy định. Cụ thể như sau:

1. ĐỐI TƯỢNG

– Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN chưa có đất ở.

– Không hỗ trợ đất ở đối với các hộ đã nhận hỗ trợ đất ở từ các chương trình, chính sách trước đây nhưng đến nay đã chuyển nhượng, cho, tặng.

2. MỨC HỖ TRỢ

Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (theo quy định tại khoản 1 Điều 3 và khoản 1, khoản 3 Điều 4 Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg) Ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ; Ngân sách tỉnh hỗ trợ tối thiểu 04 triệu đồng/hộ để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật đất ở hoặc để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép.

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh nêu trên, các địa phương (cấp huyện, cấp xã) huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hỗ trợ về đất ở cho các hộ theo quy định hiện hành. Đồng thời các hộ có đủ điều kiện vay vốn (theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 28/2022/NĐ-CP) thì được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, với mức vay tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ (Xem chi tiết Quy trình, thủ tục Cho vay hỗ trợ đất ở của Ngân hàng Chính sách xã hội tại đây).

3. NỘI DUNG HỖ TRỢ VÀ CÁCH THỨC THỰC HIỆN

Căn cứ quỹ đất, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở nêu trên, khả năng ngân sách của từng địa phương và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, UBND cấp huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn của huyện chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã thực hiện việc rà soát, xác định các hộ chưa có đất ở thuộc đối tượng hỗ trợ đất ở để thực hiện giao đất ở, công nhận đất ở cho các hộ đảm bảo phù hợp với điều kiện, tập quán ở địa phương, phù hợp với pháp luật về đất đai và quy định của UBND cấp tỉnh. Việc giao đất ở phải gắn phương án làm nhà ở trên diện tích đất được giao, tránh tình trạng các hộ được giao đất ở nhưng lại không có nhà ở.

3.1. Trường hợp ở những nơi cần khai hoang, tạo mặt bằng để giao đất ở cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng thì UBND cấp xã sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tại mục 2 nêu trên để san gạt, tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật để giao đất ở cho các đối tượng được thụ hưởng.

UBND cấp xã làm chủ đầu tư, tổ chức lập dự án (Báo cáo kinh tế-kỹ thuật) đầu tư xây dựng, trình thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư công (nguồn vốn đầu tư phát triển), xây dựng, đấu thầu, đất đai. Sau khi hoàn thành việc san gạt, tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật thì UBND cấp xã báo cáo và đề nghị UBND cấp huyện giao đất ở cho các đối tượng được thụ hưởng theo quy định của pháp luật đất đai.

3.2. Đối với các địa phương không có điều kiện về đất đai, thì UBND cấp xã bố trí kinh phí hỗ trợ cho người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép. Trường hợp các đối tượng thụ hưởng tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì UBND cấp xã kiểm tra, xác định cụ thể và lập danh sách trình UBND cấp huyện phê duyệt hỗ trợ; đồng thời hướng dẫn các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

3.3. UBND cấp huyện bố trí ngân sách địa phương và thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ được hỗ trợ đất ở theo quy định.

4. NGHIỆM THU VÀ THANH TOÁN

Việc nghiệm thu và thanh toán thực hiện theo quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP (Mục II hướng dẫn này – Kèm theo Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 03 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP)

PHỤ LỤC CÁC BIỂU MẪU VÀ VĂN BẢN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN