cẩm nang số

về hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Hướng dẫn

[Dự án 01] Quản lý thực hiện hoạt động “Hỗ trợ chuyển đổi nghề”

Căn cứ danh sách đối tượng thụ hưởng trên địa bàn huyện được UBND huyện phê duyệt, các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện có liên quan, UBND cấp huyện chỉ đạo Cơ quan chủ trì dự án cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện việc hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng theo đúng quy định. Cụ thể như sau:

1. ĐỐI TƯỢNG

Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng DTTS&MN; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định của từng địa phương, có nhu cầu chuyển đổi nghề hoặc có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất nhưng không bố trí được đất sản xuất thì được xem xét, hỗ trợ chuyển đổi nghề.

2. MỨC HỖ TRỢ

2.1. Đối với trường hợp mua sắm nông cụ, máy móc phục vụ sản xuất hoặc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các ngành nghề khác: Mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ.

2.2. Đối với trường hợp không có nhu cầu mua sắm nông cụ, máy móc thì được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng (sau đây viết tắt là Thông tư số 152/2016/TT-BTC), khoản 3 Điều 1 Thông tư số 40/2019/TT-BTC ngày 28 tháng 6 năm 2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 152/2016/TT-BTC (sau đây viết tắt là Thông tư số 40/2019/TT-BTC). Cụ thể: 

– Mức hỗ trợ chi phí đào tạo đối với người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN: Mức tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học.

– Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại: 

+ Mức hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học;

+ Mức hỗ trợ tiền đi lại: 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.

Riêng đối với người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn: mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.

Lưu ý: Mỗi người chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, những người trước đây đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách hiện hành khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ đào tạo theo chính sách quy định nêu trên. Trường hợp người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì UBND cấp xã xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm theo chính sách quy định nêu trên nhưng tối đa không quá 03 lần/người; việc tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

2.3. Ngoài ra các hộ thuộc đối tượng hỗ trợ chuyển đổi nghề có đủ điều kiện vay vốn (theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 28/2022/NĐ-CP) thì được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Mức cho vay chuyển đổi nghề do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận tối đa bằng mức cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ. Mức cho vay chi phí học nghề tối đa bằng mức cho vay áp dụng đối với chính sách tín dụng học sinh, sinh viên quy định trong từng thời kỳ (Xem chi tiết Quy trình, thủ tục Cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề của Ngân hàng Chính sách xã hội tại đây).

3. NỘI DUNG HỖ TRỢ VÀ CÁCH THỨC THỰC HIỆN

Căn cứ danh sách các hộ dân được hỗ trợ chuyển đổi nghề đã được UBND cấp huyện phê duyệt, danh sách đăng ký của các hộ dân về nhu cầu và phương thức thực hiện hỗ trợ (bằng tiền, hiện vật hoặc học nghề), UBND cấp xã tổng hợp nhu cầu và phân loại theo từng phương thức thực hiện (các hộ dân nhận tiền hoặc nhận hiện vật: nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các nghành nghề kinh doanh khác; học nghề) cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp, kiểm tra, báo cáo UBND cấp huyện quyết định mức hỗ trợ cho từng hộ dân (mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 01 lần theo mức hỗ trợ tại điểm b nêu trên) và thực hiện thanh quyết toán theo quy định hiện hành.

3.1. Trường hợp các hộ dân nhận hỗ trợ bằng tiền để tự mua sắm nông cụ, máy móc, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, học nghề, chuyển đổi sang làm các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh khác.

UBND cấp xã hướng dẫn các hộ dân tự mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu của các hộ đã đăng ký (trong danh sách được UBND cấp huyện phê duyệt) và phải có hóa đơn, chứng từ mua bán kèm theo để làm cơ sở cho việc nghiệm thu và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ. 

Lưu ý: Trường hợp các hộ dân tự mua sắm hàng hóa, dịch vụ ở các doanh nghiệp, cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh, cá nhân, hộ kinh doanh có giấy phép đăng ký kinh doanh và có chức năng cung cấp hóa đơn thì phải có hóa đơn điện tử; trường hợp mua sắm hàng hóa, dịch vụ do người dân hoặc các đơn vị quân đội, đoàn kinh tế quốc phòng hoạt động sản xuất xây dựng kinh tế trên địa bàn trực tiếp làm ra hoặc cung cấp, nếu không có chức năng cung cấp hóa đơn, biên lai thì chứng từ thanh toán là giấy biên nhận mua bán với các hộ dân, đơn vị theo giá cả phù hợp với mặt bằng chung của thị trường trên địa bàn.

Sau khi các hộ tự mua sắm xong thì các hộ dân gửi Đơn đề nghị nghiệm thu và giải ngân kinh phí hỗ trợđến UBND cấp xã; trong thời hạn theo quy định của UBND cấp tỉnh kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị do người dân gửi đến, UBND cấp xã tổ chức nghiệm thu, lập biên bảnvà thực hiện giải ngân kinh phí hỗ trợ. Việc giải ngân kinh phí hỗ trợ được lập thành Bảng kê danh sách các hộ nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề.

3.2. Trường hợp các hộ dân nhận hỗ trợ bằng hiện vật

UBND cấp huyện căn cứ nhu cầu của các hộ đã đăng ký (trong danh sách đã được UBND cấp huyện phê duyệt), chỉ đạo đơn vị chuyên môn hoặc UBND cấp xã tổ chức mua sắm theo quy định của pháp luật. Sau khi hoàn thành việc mua sắm, cơ quan tổ chức mua sắm thực hiện cấp phát cho các hộ dân theo đúng quy định.

3.3. Trường hợp các hộ đăng ký học nghề, UBND cấp huyện tổng hợp, giao đơn vị chuyên môn phối hợp với các cơ sở đào tạo hỗ trợ đào tạo nghề cho các hộ dân theo quy định

PHỤ LỤC CÁC BIỂU MẪU VÀ VĂN BẢN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN