cẩm nang số

về hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Hướng dẫn

Sổ tay hướng dẫn “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đồi nghề, nước sinh hoạt”

GIỚI THIỆU

Sổ tay Hướng dẫn hoạt động hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đồi nghề, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (thuộc nội dung Dự án 1) được xây dựng để hướng dẫn về quy trình và cách thức tổ chức thực hiện các hoạt động cho cán bộ quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp (chủ yếu là cấp huyện và xã, thôn) được phân công chủ trì, thực hiện Dự án và các đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, các tổ chức cá nhân liên quan tham gia vào hoạt động.

Sổ tay gồm bốn phần chính: Phần thứ nhất giới thiệu một số khái niệm liên quan: phần thứ hai hướng dẫn các nguyên tắc chung được quy định trong quá trình triển khai các hoạt động; phần thứ ba hướng dẫn cụ thể quy trình tổ chức thực hiện từng hoạt động; phần thứ tư là Phụ lục các biểu mẫu.

Sổ tay là tài liệu hướng dẫn một cách khái quát, hệ thống hóa thành quy trình chặt chẽ từ khâu chuẩn bị cho đến tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện. Trên thực tế, mỗi địa phương, mỗi dự án có thể được thực hiện theo nhiều hình thức và nội dung khác nhau, trong quá trình tham khảo Sổ tay, cần vận dụng một cách linh hoạt để bảo đảm mục tiêu, phù hợp với điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ.

PHẦN THỨ NHẤT – TỔNG HỢP MỘT SỐ KHÁI NIỆM LIÊN QUAN

1. Hộ dân tộc thiểu số là hộ có chủ hộ hoặc có vợ, chồng của chủ hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật.

2. Nhà ở bị dột nát, hư hỏng là loại nhà tạm, nhà dột nát theo quy định của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện tiêu chí về nhà ở nông thôn (theo Công văn số 117/BXD-QHKT ngày 21/01/2015 về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí về nhà ở nông thôn): “Nhà tạm, nhà dột nát là loại nhà xây dựng bằng các vật liệu tạm thời, dễ cháy, có niên hạn sử dụng dưới 5 năm hoặc không đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng), thiếu diện tích ở, bếp, nhà vệ sinh theo quy định, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng”.

“3 cứng” (theo Thông tư 01/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng) như sau: “Nền – móng cứng” là: Móng làm bằng gạch, đá hoặc bê tông cốt thép; nền nhà làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng – cát, bê tông, gạch lát; “Khung – tường cứng” bao gồm hệ thống khung, cột, tường: Khung, cột được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, gỗ bền chắc; tường xây gạch, đá hoặc làm từ gỗ bền chắc; “Mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp: Hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói hoặc lợp bằng các loại tấm lợp có chất lượng tốt (tôn, kẽm).

3. Hộ thiếu đất sản xuất là hộ thiếu trên 50% diện tích đất sản xuất theo định mức quy định của địa phương.

Phương pháp xác định hộ thiếu đất sản xuất được thực hiện theo quy định của UBND cấp tỉnh.

4. Đất sản xuất là đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10) thì nhóm đất nông nghiệp bao gồm: Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất nuôi trồng thủy sản. 

Địa phương cụ thể hóa đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn:“Đất sản xuất” là đất ruộng lúa nước 1 vụ, đất ruộng lúa nước 2 vụ, đất vườn, bãi, nương, rẫy và đất nuôi trồng thủy sản.

5. Địa bàn đặc biệt khó khăn bao gồm: xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc vùng đồng bào DTTS&MN.

PHẦN THỨ HAI – NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, theo định mức cho một số đối tượng chính sách thuộc nội dung đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia để tự thực hiện đầu tư, không quản lý theo hình thức dự án đầu tư. Tài sản hình thành sau đầu tư không là tài sản công.

2. Mục tiêu, nội dung, đối tượng, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của từng chính sách thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Điều kiện, yêu cầu kỹ thuật (nếu có) của từng chính sách thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.

3. Tổng hợp, rà soát, thẩm định và quyết định danh sách đối tượng hỗ trợ:

Ủy ban nhân dân cấp xã công khai thông tin chính sách, rà soát, thẩm định, tổng hợp Danh sách đối tượng chính sách có nhu cầu được hỗ trợ đảm bảo phù hợp với nội dung, đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí theo quy định từng chính sách, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt danh sách đối tượng chính sách.

Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương có trách nhiệm công khai danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách, mức hỗ trợ theo từng nội dung chính sách hỗ trợ tại trụ sở làm việc.

4. Tổ chức rút dự toán, thanh toán cho đối tượng chính sách:

Căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm được cơ quan có thẩm quyền giao, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước để thanh toán trực tiếp bằng tiền cho đối tượng chính sách theo từng lần thanh toán. Trường hợp sau 30 ngày rút dự toán chưa hoàn thành thanh toán cho đối tượng chính sách, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm nộp lại Kho bạc Nhà nước số tiền chưa được thanh toán.

Việc thanh toán vốn thực hiện chính sách đất ở, đất sản xuất cho một (01) đối tượng chính sách chỉ thực hiện một lần duy nhất bằng 100% mức hỗ trợ. Việc thanh toán hỗ trợ xây mới nhà ở trong thực hiện chính sách nhà ở cho một (01) đối tượng chính sách thực hiện hai lần; thanh toán lần đầu (lần 1) sau khi đối tượng chính sách hoàn thành phần móng nhà ở, mức thanh toán tối đa không quá 70% mức hỗ trợ theo quy định; thanh toán phần còn lại của mức hỗ trợ (lần 2) sau khi đối tượng chính sách hoàn thành xây mới nhà ở.

Việc thanh toán các chính sách hỗ trợ khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tiến độ, điều kiện thanh toán cho một (01) đối tượng chính sách một lần duy nhất, hoặc phân kỳ thanh toán nhưng không quá hai (02) lần. Trường hợp phân kỳ thanh toán, thực hiện thanh toán lần đầu (lần 1) sau khi đối tượng chính sách đã hoàn thành một khối lượng công việc nhất định theo tiến độ, mức thanh toán tối đa không quá 70% mức hỗ trợ theo quy định; thanh toán phần còn lại của mức hỗ trợ (lần 2) sau khi đối tượng chính sách hoàn thành việc đầu tư.

5. Lập hồ sơ theo dõi tiến độ thực hiện chính sách và hồ sơ thanh toán cho đối tượng chính sách:

Hồ sơ theo dõi tiến độ thực hiện chính sách bao gồm: Sổ theo dõi tiến độ thực hiện của đối tượng chính sách từ thời điểm hỗ trợ lần đầu đến thời điểm hoàn thành thanh toán, quyết toán vốn hỗ trợ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã; bản sao (được công chứng) giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất mang tên đối tượng chính sách được cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc biên bản xác nhận kết quả nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành theo tiến độ giữa Ban quản lý xã và từng đối tượng chính sách theo Mẫu số 01 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP; các tài liệu khác có liên quan theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu có); hồ sơ thanh toán; danh sách đối tượng chính sách ký nhận tiền hỗ trợ và chứng từ xác nhận việc thanh toán. Hồ sơ theo dõi tiến độ thực hiện chính sách được lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Hồ sơ thanh toán bao gồm: Giấy đề nghị thanh toán theo Mẫu số 02 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP, bảng kê danh sách các đối tượng chính sách và mức hỗ trợ cho hộ gia đình (có ký xác nhận của đối tượng chính sách, hoặc người được đối tượng chính sách ủy quyền, hoặc chủ hộ gia đình) theo Mẫu số 03 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP; kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm được cấp có thẩm quyền giao, danh sách các đối tượng chính sách được hỗ trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hồ sơ thanh toán được lập thành 02 bộ, 01 bộ gửi Kho bạc Nhà nước để rút dự toán thanh toán cho đối tượng chính sách; 01 bộ lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

6) Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện đầu tư của các đối tượng chính sách. Trường hợp đến hết giai đoạn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, đối tượng chính sách đã nhận thanh toán lần đầu nhưng chưa thực hiện các thủ tục thanh toán phần còn lại theo định mức, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo bằng văn bản đến đối tượng chính sách yêu cầu thực hiện các thủ tục nghiệm thu kết quả đầu tư, làm thủ tục thanh toán vốn còn lại của mức hỗ trợ theo quy định.

Sau ba (03) lần thông báo, đối tượng chính sách không thực hiện các thủ tục nghiệm thu kết quả đầu tư, thanh toán vốn hỗ trợ còn lại, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quyết toán số tiền đã thanh toán; không thanh toán số tiền hỗ trợ còn lại (nếu có) của đối tượng chính sách.

7. Thanh toán, quyết toán vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, các quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, Nghị định số 38/2023/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

PHẦN THỨ BA – QUY TRÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN 1

Quy trình thực hiện Dự án 1 bao gồm các bước: (1) Rà soát, lập danh sách đối tượng; (2) Thẩm định, phê duyệt danh sách đối tượng; (3) Thực hiện hỗ trợ.

1. Bước 1: Rà soát, lập danh sách đối tượng

Căn cứ Kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 của UBND huyện, cấp xã; Quyết định phê duyệt kết quả rà soát, thống kê hộ nghèo của năm trước năm kế hoạch (ví dụ: rà soát, lập danh sách đối tượng để thực hiện kế hoạch năm 2023 thì căn cứ kết quả rà soát, thống kê hộ nghèo năm 2022); đối tượng thụ hưởng Dự án 1 có nhu cầu hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán (quy định tại Quyết định số 1719/QĐ- TTg) và đối tượng ưu tiênđể thực hiện.

1.1. Tại thôn

Hằng năm, UBND cấp huyện giao cơ quan trực thuộc chủ trì, hướng dẫn, chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện rà soát đối tượng trên địa bàn xã/thị trấn theo từng thôn (thời gian cụ thể theo quy định của UBND cấp tỉnh).

a) Công chức được giao nhiệm vụ phối hợp với Trưởng thôn tổ chức họp để phổ biến nội dung chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo quy định tại Quyết định số 1719/QĐ- TTg để lập danh sách hộ nghèo thuộc đối tượng được hỗ trợ có nhu cầu hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán trong thôn (viết tắt là danh sách đối tượng thụ hưởng Dự án 1).

b) Trên cơ sở danh sách đối tượng thụ hưởng Dự án 1, tổ chức bình xét, đề xuất danh sách đối tượng được hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán theo thứ tự ưu tiên gửi đến UBND xã để xem xét, rà soát, tổng hợp và lập danh sách đối tượng trên địa bàn cấp xã.

Cuộc họp bao gồm đại diện Lãnh đạo UBND xã, công chức được giao nhiệm vụ, Trưởng thôn (chủ trì cuộc họp), Bí thư Chi bộ thôn, đại diện các đoàn thể chính trị – xã hội thôn (Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Ban Công tác Mặt trận thôn và đại diện của các hộ nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng Dự án 1 trong thôn; mời đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã giám sát.

c) Hộ được đưa vào danh sách đối tượng đề xuất hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán phải được trên 50% số người tham dự cuộc họp đồng ý (theo hình thức biểu quyết giơ tay).

Lưu ý: Tại cấp thôn, sau khi bình xét, biểu quyết thông qua và xác định được các hộ đưa vào danh sách đối tượng đề xuất hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán, công chức được giao nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp cho các hộ đăng ký nhu cầu hỗ trợ và phương thức thực hiện hỗ trợ (nhận hỗ trợ bằng tiền hoặc nhận hiện vật) theo từng nội dung (đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán) và lập danh sách các hộ, gửi UBND cấp xã làm cơ sở để UBND cấp xã xác định phương thức thực hiện việc hỗ trợ, đảm bảo phù hợp với khả năng thực hiện của người dân và nhu cầu hỗ trợ theo thực tế của từng hộ.

1.2. Tại cấp xã

a) Trên cơ sở danh sách đối tượng đề xuất hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán của từng thôn, UBND xã rà soát, tổng hợp, lập danh sách đối tượng đối với từng nội dung đề xuất hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán trên địa bàn xã và ban hành văn bản thông báo; thực hiện niêm yết công khai văn bản thông báo và danh sách này tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở UBND xã hoặc thông báo qua Đài truyền thanh xã trong thời gian tối thiểu 07 ngày. 

b) Hết thời hạn niêm yết công khai, UBND xã rà soát, tổng hợp và gửi báo cáo về UBND cấp huyện danh sách đối tượng thuộc diện được hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán trên địa bàn xã.

c) Thời gian hoàn thành việc rà soát, tổng hợp danh sách và gửi báo cáo của UBND cấp xã về Cơ quan chủ trì dự án cấp huyện (Thời điểm hoàn thành theo quy định của UBND cấp tỉnh)

2. Bước 2: Thẩm định, phê duyệt danh sách đối tượng (theo quy định của UBND cấp tỉnh)

 a) Trong thời hạn N1 ngày làm việc (theo quy định cụ thể của UBND cấp tỉnh), kể từ thời điểm nhận được báo cáo của UBND xã, UBND huyện giao Cơ quan chủ trì dự án cấp huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, liên quan rà soát, tổng hợp, thẩm định và trình UBND huyện phê duyệtdanh sách đối tượng thuộc diện được hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán trên địa bàn huyện (trường hợp phải điều chỉnh lại danh sách thì phải phê duyệt lại), gửi Quyết định phê duyệt về Cơ quan chủ trì dự án cấp tỉnh để theo dõi việc thực hiện và làm cơ sở phân bổ kế hoạch vốn năm sau.

Lưu ý: Nội dung thẩm định, gồm: Nhận xét, đánh giá về hồ sơ trình thẩm định của UBND cấp xã; sự phù hợp về trình tự, thủ tục thực hiện các bước rà soát, bình xét, lập danh sách đối tượng tại cấp thôn, cấp xã; sự phù hợp của đối tượng thụ hưởng, đối tượng ưu tiên; việc đăng ký nhu cầu hỗ trợ của người dân, mức hỗ trợ, phương thức thực hiện hỗ trợ và các nội dung khác theo quy định.

b) Thời gian hoàn thành phê duyệt danh sách đối tượng do UBND cấp huyện phê duyệt theo quy định của UBND cấp tỉnh

Lưu ý:  

 – Việc rà soát, lập và phê duyệt danh sách đối tượng phải đảm bảo các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT, Thông tư số 02/2023/TT-UBDT; đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở (tuân thủ quy chế dân chủ ở cơ sở), đúng đối tượng, đúng địa bàn, đúng định mức và không chồng chéo; xác định đối tượng theo thứ tự ưu tiên.

– Trường hợp phát sinh khiếu nại, tố cáo trong quá trình rà soát, lập và phê duyệt danh sách đối tượng thì việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật hiện hành có liên quan.

3. Bước 3: Thực hiện hỗ trợ

Căn cứ danh sách đối tượng thụ hưởng Dự án 1 trên địa bàn huyện được UBND huyện phê duyệt, các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện có liên quan, UBND cấp huyện chỉ đạo Cơ quan chủ trì dự án cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện việc hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng Dự án 1 theo đúng quy định.

3.1. Hỗ trợ đất ở

a) Đối tượng

– Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN chưa có đất ở.

– Không hỗ trợ đất ở đối với các hộ đã nhận hỗ trợ đất ở từ các chương trình, chính sách trước đây nhưng đến nay đã chuyển nhượng, cho, tặng.

b) Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (theo quy định tại khoản 1 Điều 3 và khoản 1, khoản 3 Điều 4 Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg)

Ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ; Ngân sách tỉnh hỗ trợ tối thiểu 04 triệu đồng/hộ để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật đất ở hoặc để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép.

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh nêu trên, các địa phương (cấp huyện, cấp xã) huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hỗ trợ về đất ở cho các hộ theo quy định hiện hành. Đồng thời các hộ có đủ điều kiện vay vốn (theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 28/2022/NĐ-CP) thì được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, với mức vay tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ.

c) Nội dung hỗ trợ và cách thức thực hiện:

Căn cứ quỹ đất, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở nêu trên, khả năng ngân sách của từng địa phương và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, UBND cấp huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn của huyện chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã thực hiện việc rà soát, xác định các hộ chưa có đất ở thuộc đối tượng hỗ trợ đất ở để thực hiện giao đất ở, công nhận đất ở cho các hộ đảm bảo phù hợp với điều kiện, tập quán ở địa phương, phù hợp với pháp luật về đất đai và quy định của UBND cấp tỉnh. Việc giao đất ở phải gắn phương án làm nhà ở trên diện tích đất được giao, tránh tình trạng các hộ được giao đất ở nhưng lại không có nhà ở.

c1) Trường hợp ở những nơi cần khai hoang, tạo mặt bằng để giao đất ở cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng thì UBND cấp xã sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tại mục b nêu trên để san gạt, tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật để giao đất ở cho các đối tượng được thụ hưởng.

UBND cấp xã làm chủ đầu tư, tổ chức lập dự án (Báo cáo kinh tế-kỹ thuật) đầu tư xây dựng, trình thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư công (nguồn vốn đầu tư phát triển), xây dựng, đấu thầu, đất đai. Sau khi hoàn thành việc san gạt, tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật thì UBND cấp xã báo cáo và đề nghị UBND cấp huyện giao đất ở cho các đối tượng được thụ hưởng theo quy định của pháp luật đất đai.

c2) Đối với các địa phương không có điều kiện về đất đai, thì UBND cấp xã bố trí kinh phí hỗ trợ cho người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép. Trường hợp các đối tượng thụ hưởng tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì UBND cấp xã kiểm tra, xác định cụ thể và lập danh sách trình UBND cấp huyện phê duyệt hỗ trợ; đồng thời hướng dẫn các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

c3) UBND cấp huyện bố trí ngân sách địa phương và thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ được hỗ trợ đất ở theo quy định.

d) Việc nghiệm thu và thanh toán thực hiện theo quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP (Mục II hướng dẫn này – Kèm theo Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 03 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP)

3.2 Hỗ trợ nhà ở

a) Đối tượng

– Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng.

– Hộ được hỗ trợ đất ở thì được đồng thời xem xét hỗ trợ nhà ở.

b) Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (theo quy định tại khoản 2 Điều 3 và khoản 1, khoản 3 Điều 4 Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg)

Ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ; Ngân sách tỉnh hỗ trợ tối thiểu 04 triệu đồng/hộ để xây dựng 01 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, bảo đảm “3 cứng” (nền cứng, khung – tường cứng, mái cứng).

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh nêu trên, các địa phương (cấp huyện, cấp xã) huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác (vốn hỗ trợ người nghèo thông qua Ủy ban MTTQ các cấp, vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân và huy động hợp pháp khác…) để thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho các hộ theo quy định hiện hành. Đồng thời các hộ có đủ điều kiện vay vốn (theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 28/2022/NĐ-CP) thì được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP với mức vay tối đa không quá 40 triệu đồng/hộ.

c) Nội dung hỗ trợ và cách thức thực hiện: thực hiện nguyên tắc các hộ (người dân) tự lực xây dựng nhà ở cho mình là chính, nhà nước, các tổ chức, cá nhân chỉ hỗ trợ thêm nguồn lực để người dân tự xây dựng nhà ở cho mình đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng theo quy định. Trường hợp người dân không thể tự xây dựng nhà ở, UBND cấp xã tổ chức xây dựng cho các đối tượng này đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng theo đúng quy định.

d) Việc hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện có phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh,“3 cứng” (nền- móng cứng, khung- tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.

UBND cấp xã có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, giám sát và giúp đỡ các hộ trong quá trình xây dựng nhà ở đảm bảo tiến độ, diện tích và chất lượng theo quy định.

Trường hợp đối tượng thụ hưởng có nhu cầu tạm ứng kinh phí hỗ trợ thì sau khi đã hoàn thành một khối lượng công việc nhất định theo tiến độ, Ban Quản lý xã và đối tượng chính sách lập Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành theo Mẫu số 01 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP. Căn cứ Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành, UBND cấp xã thực hiện giải ngân kinh phí tạm ứng theo Mẫu số 02, Mẫu số 03 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP.

Việc giải ngân kinh phí tạm ứng được lập thành Bảng kê danh sách các hộ nhận kinh phí tạm ứng hỗ trợ làm nhà ở. Mức thanh toán tối đa không quá 70% mức hỗ trợ theo quy định.

Sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở, đối tượng thụ hưởng gửi Đơn đề nghị nghiệm thu và giải ngân kinh phí hỗ trợ đến UBND cấp xã; trong thời hạn theo quy định của UBND cấp tỉnh kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị do người dân gửi đến, UBND cấp xã tổ chức nghiệm thu và lập biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở và thực hiện giải ngân kinh phí hỗ trợ,

Việc giải ngân kinh phí hỗ trợ được lập thành Bảng kê danh sách các hộ nhận tiền hỗ trợ làm nhà ở.

đ) Việc nghiệm thu và thanh toán thực hiện theo quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP (Mục II hướng dẫn này – Kèm theo Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 03 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP).

Lưu ý: Trường hợp các hộ thuộc đối tượng hỗ trợ làm nhà ở (xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện có trên thửa đất hiện nay hộ đó đang quản lý, sử dụng) nhưng hộ đó không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thì UBND cấp xã báo cáo và đề nghị UBND cấp huyện xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ đó theo quy định của pháp luật về đất đai trước khi thực hiện việc hỗ trợ làm nhà ở trên chính thửa đất đó.

3.3. Hỗ trợ đất sản xuất

a) Đối tượng

Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp chưa có đất sản xuất, có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất thì được chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất.

b) Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (theo quy định tại khoản 1 Điều 3 và khoản 1, khoản 3 Điều 4 Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg)

Ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 22,5 triệu đồng/hộ để thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để giao đất có khả năng sản xuất.

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh nêu trên, các địa phương (cấp huyện, cấp xã) huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hỗ trợ về đất sản xuất cho các hộ theo quy định hiện hành. Đồng thời các hộ có đủ điều kiện vay vốn (theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 28/2022/NĐ-CP) thì được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, với mức vay tối đa không quá 77,5 triệu đồng/hộ.

c) Nội dung hỗ trợ và cách thức thực hiện:

– Trường hợp địa phương còn quỹ đất có khả năng sản xuất mà không cần phải thực hiện khai hoang, phục hóa, cải tạo đất, UBND cấp huyện căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thực hiện giao đất sản xuất cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chưa có đất sản xuất theo quy định của pháp luật về đất đai.

– Trường hợp địa phương còn quỹ đất sản xuất nhưng phải khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để có khả năng sản xuất, UBND cấp huyện chỉ đạo tổ chức lập và thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để giao đất sản xuất cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chưa có đất sản xuất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Các hộ thuộc đối tượng hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất nhưng chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất, có nhu cầu vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất thì được xem xét vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 Nghị định số 28/2022/NĐ-CP và không được hỗ trợ chuyển đổi nghề.

UBND cấp huyện bố trí ngân sách địa phương và thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ được hỗ trợ đất sản xuất theo quy định.

d) Việc nghiệm thu và thanh quyết toán thực hiện theo quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP (Mục II hướng dẫn này – Kèm theo Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 03 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP)

3.4 Hỗ trợ chuyển đổi nghề

a) Đối tượng chuyển đổi nghề:

Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng DTTS&MN; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định của từng địa phương, có nhu cầu chuyển đổi nghề hoặc có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất nhưng không bố trí được đất sản xuất thì được xem xét, hỗ trợ chuyển đổi nghề.

b) Mức hỗ trợ chuyển đổi nghề

b1) Đối với trường hợp mua sắm nông cụ, máy móc phục vụ sản xuất hoặc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các ngành nghề khác: Mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ.

b2) Đối với trường hợp không có nhu cầu mua sắm nông cụ, máy móc thì được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng (sau đây viết tắt là Thông tư số 152/2016/TT-BTC), khoản 3 Điều 1 Thông tư số 40/2019/TT-BTC ngày 28 tháng 6 năm 2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 152/2016/TT-BTC (sau đây viết tắt là Thông tư số 40/2019/TT-BTC). Cụ thể: 

– Mức hỗ trợ chi phí đào tạo đối với người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN: Mức tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học.

– Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại: 

+ Mức hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học;

+ Mức hỗ trợ tiền đi lại: 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.

Riêng đối với người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn: mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.

Lưu ý: Mỗi người chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, những người trước đây đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách hiện hành khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ đào tạo theo chính sách quy định nêu trên. Trường hợp người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì UBND cấp xã xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm theo chính sách quy định nêu trên nhưng tối đa không quá 03 lần/người; việc tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

b3) Ngoài ra các hộ thuộc đối tượng hỗ trợ chuyển đổi nghề có đủ điều kiện vay vốn (theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 28/2022/NĐ-CP) thì được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Mức cho vay chuyển đổi nghề do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận tối đa bằng mức cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ. Mức cho vay chi phí học nghề tối đa bằng mức cho vay áp dụng đối với chính sách tín dụng học sinh, sinh viên quy định trong từng thời kỳ.

c) Nội dung hỗ trợ và cách thức thực hiện:

Căn cứ danh sách các hộ dân được hỗ trợ chuyển đổi nghề đã được UBND cấp huyện phê duyệt, danh sách đăng ký của các hộ dân về nhu cầu và phương thức thực hiện hỗ trợ (bằng tiền, hiện vật hoặc học nghề), UBND cấp xã tổng hợp nhu cầu và phân loại theo từng phương thức thực hiện (các hộ dân nhận tiền hoặc nhận hiện vật: nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các nghành nghề kinh doanh khác; học nghề) cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp, kiểm tra, báo cáo UBND cấp huyện quyết định mức hỗ trợ cho từng hộ dân (mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 01 lần theo mức hỗ trợ tại điểm b nêu trên) và thực hiện thanh quyết toán theo quy định hiện hành.

c1) Trường hợp các hộ dân nhận hỗ trợ bằng tiền để tự mua sắm nông cụ, máy móc, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, học nghề, chuyển đổi sang làm các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh khác.

UBND cấp xã hướng dẫn các hộ dân tự mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu của các hộ đã đăng ký (trong danh sách được UBND cấp huyện phê duyệt) và phải có hóa đơn, chứng từ mua bán kèm theo để làm cơ sở cho việc nghiệm thu và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ. 

Lưu ý: Trường hợp các hộ dân tự mua sắm hàng hóa, dịch vụ ở các doanh nghiệp, cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh, cá nhân, hộ kinh doanh có giấy phép đăng ký kinh doanh và có chức năng cung cấp hóa đơn thì phải có hóa đơn điện tử; trường hợp mua sắm hàng hóa, dịch vụ do người dân hoặc các đơn vị quân đội, đoàn kinh tế quốc phòng hoạt động sản xuất xây dựng kinh tế trên địa bàn trực tiếp làm ra hoặc cung cấp, nếu không có chức năng cung cấp hóa đơn, biên lai thì chứng từ thanh toán là giấy biên nhận mua bán với các hộ dân, đơn vị theo giá cả phù hợp với mặt bằng chung của thị trường trên địa bàn.

Sau khi các hộ tự mua sắm xong thì các hộ dân gửi Đơn đề nghị nghiệm thu và giải ngân kinh phí hỗ trợđến UBND cấp xã; trong thời hạn theo quy định của UBND cấp tỉnh kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị do người dân gửi đến, UBND cấp xã tổ chức nghiệm thu, lập biên bảnvà thực hiện giải ngân kinh phí hỗ trợ. Việc giải ngân kinh phí hỗ trợ được lập thành Bảng kê danh sách các hộ nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề.

c2) Trường hợp các hộ dân nhận hỗ trợ bằng hiện vật

UBND cấp huyện căn cứ nhu cầu của các hộ đã đăng ký (trong danh sách đã được UBND cấp huyện phê duyệt), chỉ đạo đơn vị chuyên môn hoặc UBND cấp xã tổ chức mua sắm theo quy định của pháp luật. Sau khi hoàn thành việc mua sắm, cơ quan tổ chức mua sắm thực hiện cấp phát cho các hộ dân theo đúng quy định.

c3) Trường hợp các hộ đăng ký học nghề, UBND cấp huyện tổng hợp, giao đơn vị chuyên môn phối hợp với các cơ sở đào tạo hỗ trợ đào tạo nghề cho các hộ dân theo quy định

3.4 Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán

a) Đối tượng

Hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN có khó khăn về nước sinh hoạt.

b) Mức hỗ trợ:

Căn cứ danh sách các hộ dân được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đăng ký của các hộ dân về phương thức thực hiện; cơ quan được giao nhiệm vụ và dự toán kinh phí tổng hợp nhu cầu và phân loại theo từng phương thức thực hiện (các hộ dân nhận lu, bồn, téc, vật dụng chứa nước, vật dụng dẫn nước; tự làm bể chứa nước; tự đào giếng hoặc tự tạo nguồn nước khác) gửi cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho từng hộ dân, tối đa 03 triệu đồng/hộ (mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 01 lần). Trường hợp mua sắm hiện vật để cấp cho các hộ dân, định mức chi nêu trên đã bao gồm các chi phí phát sinh khi tổ chức lựa chọn nhà thầu.

c) Nội dung hỗ trợ và cách thức thực hiện

Các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng được xem xét hỗ trợ (bằng tiền hoặc hiện vật) để tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt hoặc mua sắm vật dụng chứa nước sinh hoạt.

Cách thức hỗ trợ nước sinh hoạt được sử dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng thôn, xã và điều kiện sinh hoạt của hộ gia đình như: đào giếng, mua vật dụng dẫn nước (đường ống dẫn nước và phụ kiện van, vòi, cút, măng sông…), trữ nước (lu, bồn, téc, vật dụng chứa nước; tự làm bể chứa nước) hoặc tự tạo nguồn nước khác đảm bảo nguyên tắc các hộ được hỗ trợ kinh phí phải có nước sinh hoạt ổn định và được bố trí ở khu vực thuận tiện cho sinh hoạt gia đình.

c1) Trường hợp các hộ dân nhận hỗ trợ bằng tiền để tự tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt (như: tự làm bể chứa nước, tự đào giếng hoặc tự tạo nguồn nước khác) hoặc tự mua sắm vật dụng dẫn nước (đường ống dẫn nước và phụ kiện van, vòi, cút, măng sông…), trữ nước (lu, bồn, téc, vật dụng chứa nước khác).

UBND cấp xã hướng dẫn các hộ dân tự thực hiện, sau khi hoàn thành thì các hộ dân gửi Đơn đề nghị nghiệm thu và giải ngân kinh phí hỗ trợ tuỳ theo nội dung thực hiện đến UBND cấp xã; trong thời hạn theo quy định của UBND cấp tỉnh kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị do người dân gửi đến, UBND cấp xã tổ chức nghiệm thu, lập biên bản nghiệm thu hoàn thành (có chữ ký xác nhận của đại diện hộ gia đình và ít nhất một tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương), cơ quan được giao nhiệm vụ và dự toán kinh phí kiểm tra, thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước để thanh toán cho các hộ dân. Việc giải ngân kinh phí hỗ trợ được lập thành Bảng kê danh sách các hộ nhận tiền hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán.

Lưu ý: Trường hợp các hộ dân tự mua sắm hàng hóa, dịch vụ ở các doanh nghiệp, cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh, cá nhân, hộ kinh doanh có giấy phép đăng ký kinh doanh và có chức năng cung cấp hóa đơn thì phải có hóa đơn điện tử; trường hợp mua sắm hàng hóa, dịch vụ do người dân hoặc các đơn vị quân đội, đoàn kinh tế quốc phòng hoạt động sản xuất xây dựng kinh tế trên địa bàn trực tiếp làm ra hoặc cung cấp, nếu không có chức năng cung cấp hóa đơn, biên lai thì chứng từ thanh toán là giấy biên nhận mua bán với các hộ dân, đơn vị theo giá cả phù hợp với mặt bằng chung của thị trường trên địa bàn. 

c2) Trường hợp các hộ nhận hỗ trợ bằng hiện vật (nhận lu, bồn, téc, vật dụng dẫn nước, vật dụng chứa nước)

Căn cứ danh sách đăng ký của các hộ dân, hợp đồng cung ứng giữa đơn vị được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ với đơn vị cung ứng lu, bồn, téc, vật dụng chứa nước, vật dụng dẫn nước; số lượng thực tế cấp cho các hộ dân theo biên bản bàn giao giữa đơn vị cung ứng và từng hộ dân (có ký nhận của người đại diện hộ), cơ quan được giao nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện kiểm tra, rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước để thanh toán cho các đơn vị cung cấp lu, bồn, téc, vật dụng chứa nước, vật dụng dẫn nước theo quy định.

c3) Trường hợp hỗ trợ theo nhóm hộ: Tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, căn cứ nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng, có thể tiến hành hỗ trợ theo nhóm hộ để xây dựng những công trình sử dụng chung, nhóm hộ phải tự nguyện, cam kết bảo dưỡng và duy trì công trình, đảm bảo có nguồn nước ổn định. Số lượng thành viên nhóm hộ trên cơ sở bàn bạc, thống nhất của người dân. UBND cấp xã chỉ đạo nhóm hộ thảo luận, thống nhất cách thức thực hiện và thống nhất bằng biên bản, gửi UBND cấp xã để UBND cấp xã tổ chức lập dự toán, phương án xây dựng, thực hiện thẩm định, phê duyệt và giao nhóm hộ tự thực hiện. 

Sau khi nhóm hộ tự thực hiện hoàn thành, nhóm hộ gửi Đơn đề nghị nghiệm thu và giải ngân kinh phí hỗ trợ đến UBND cấp xã để UBND xã tổ chức nghiệm thu, giải ngân kinh phí hỗ trợ theo khối lượng và giá trị thực tế hoàn thành được nghiệm thu, nhưng tối đa không quá 03 triệu đồng/hộ.

PHẦN THỨ TƯ – PHỤ LỤC

1. Sổ tay và phụ lục

2. Văn bản pháp luật liên quan

  • Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG
  • Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG
  • Quyết định 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ và cơ chế sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của CTMTQG;
  • Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/04/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện CTMTQG;
  • Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên
  • Thông tư số 40/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính: Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng
  • Thông tư số 152/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính: Quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng
  • Hướng dẫn số 4912/HD-NHCS ngày 30/06/2022 của Ngân hàng Chính sách Xã hội: Nghiệp vụ cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/04/2022 của Chính phủ;