cẩm nang số

về hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Hướng dẫn

[Dự án 08] Hướng dẫn thực hiện hoạt động: Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em

1. Hoạt động 1: Phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội tạo thu nhập và lồng ghép giới

1.1. Nội dung hoạt động:

– Củng cố, nâng cao chất lượng mô hình hiện có/hoặc thành lập mới và duy trì hoạt động mô hình Tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản (TKVVTB). Thí điểm hỗ trợ giới thiệu 15% thành viên Tổ TKVVTB hiện có tiếp cận với các định chế tài chính chính thức; thí điểm hỗ trợ 15% thành viên của Tổ TKVVTB hiện có phát triển sinh kế; Thí điểm 1.800 Tổ TKVVTB áp dụng phương pháp học tập và hành động giới.

– Xây dựng tài liệu hướng dẫn thành lập, vận hành, quản lý tổ TKVVTB, hướng dẫn kết nối với các định chế tài chính chính thức, phát triển sinh kế, áp dụng phương pháp học tập và hành động giới cho Tổ TKVVTB và tập huấn hướng dẫn triển khai.

– Tập huấn hướng dẫn các cấp Hội triển khai thực hiện theo yêu cầu của Dự án.

1.2. Nhiệm vụ của Trung ương:

– Chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN các cấp thành lập mới, củng cố nâng cao chất lượng, duy trì TKVVTB; Hướng dẫn thí điểm hỗ trợ giới thiệu 15% thành viên Tổ TKVVTB hiện có tiếp cận với các định chế tài chính chính thức; hướng dẫn thí điểm hỗ trợ 15% thành viên của Tổ TKVVTB hiện có phát triển sinh kế; Hướng dẫn áp dụng phương pháp học tập và hành động giới cho Tổ TKVVTB và cung cấp tới cấp tỉnh, thành phố và xây dựng, in ấn tài liệu/sổ tay hướng dẫn triển khai mô hình.

– Tập huấn xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn cho cấp tỉnh, thành và địa bàn chỉ đạo điểm triển khai, vận hành mô hình Tổ TKVVTB và các chuyên đề hỗ trợ kỹ thuật cho mô hình hoạt động; rà soát, đánh giá năng lực và tập huấn củng cố, cập nhật hàng năm cho các tỉnh, thành phố.

– Chỉ đạo điểm mô hình tại một số địa bàn để rút nghiệm cho công tác chỉ đạo, nhân rộng mô hình.

– Tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu, vận động, kết nối, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của các định chế tài chính chính thức, đào tạo phát triển sinh kế, giới thiệu quảng bá sản phẩm bản địa qua các hội chợ và giải pháp nâng chất lượng mô hình.

– Giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương; sơ kết, đánh giá mô hình và tư liệu hóa, chia sẻ, vận động, nhân rộng, duy trì bền vững mô hình.

1.3. Nhiệm vụ của địa phương:

Cấp tỉnh, thành phố: Hội LHPN tỉnh chủ trì, phối hợp các ngành liên quan và chính quyền tại địa bàn Dự án rà soát, đánh giá nhu cầu làm cơ sở triển khai mô hình; Tập huấn hướng dẫn triển khai mô hình tới cấp huyện và các xã điểm do tỉnh lựa chọn; Triển khai thí điểm mô hình để rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo trên địa bàn tỉnh; Tổ chức hội nghị, hội thảo chia sẻ, vận động tại cấp tỉnh và phối hợp, kết nối, tham vấn các ngành, tổ chức, chuyên gia có chuyên môn hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của các định chế tài chính chính thức, đào tạo phát triển sinh kế và nâng chất lượng mô hình; Tư liệu hóa, chia sẻ, vận động, nhân rộng, duy trì bền vững mô hình trên địa bàn tỉnh; Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên cho cấp huyện, xã; sơ kết, đánh giá mô hình.

– Cấp huyện: Hội LHPN huyện chủ trì, phối hợp ngành liên quan tập huấn hướng dẫn các xã trên địa bàn huyện thành lập, vận hành các mô hình, hoạt động; Vận động, kết nối, phối hợp với các ngành, tổ chức liên quan trên địa bàn huyện hỗ trợ mô hình hoạt động hiệu quả (có thể tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham vấn chuyên gia có chuyên môn); Giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho xã triển khai mô hình, hoạt động; Tư liệu hoá mô hình để chia sẻ, vận động, nhân rộng trên đại bàn huyện.

– Cấp xã: Hội LHPN xã chủ trì thành lập, vận hành và quản lý mô hình tại cộng đồng; Rà soát nhu cầu của thành viên tổ TKVVTB để hỗ trợ, đề xuất hỗ trợ tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của các định chế tài chính chính thức, đào tạo phát triển sinh kế, giới thiệu quảng bá sản phẩm bản địa; Trực tiếp giám sát, hỗ trợ kỹ thuật để duy trì, nâng chất lượng hoạt động của các mô hình; Tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các mô hình trên địa bàn xã; Tuyên truyền phổ biến mô hình, điển hình trên hệ thống loa phát thanh xã để lan toả đến cộng đồng.

2. Hoạt động 2: Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

2.1. Nội dung hoạt động: Hỗ trợ tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ (sau đây gọi tắt là các tổ nhóm sinh tế): Xây dựng thương hiệu; đăng ký các tiêu chuẩn theo quy định; xây dựng truy xuất nguồn gốc và tập huấn về quản lý chất lương; hỗ trợ tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; giới thiệu và hỗ trợ kết nối với các giải pháp dịch vụ logistics và thanh toán điện tử; tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho tổ nhóm.

2.2. Nhiệm vụ của Trung ương:

– Xây dựng tài liệu hướng dẫn và tổ chức đào tạo, tập huấn, tư vấn kỹ thuật cho Hội LHPN các cấp về hỗ trợ các tổ nhóm sinh kế ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

– Tổ chức truyển thông, nâng cao nhận thức về lợi ích, tầm quan trọng của ứng dụng khoa học công nghệ trên quy mô toàn quốc.

– Trực tiếp triển khai điểm tại một số địa phương và rút kinh nghiệm để chỉ đạo.

– Xây dựng và cung cấp các tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ; Tập hợp và nghiên cứu kinh nghiệm thực hiện của các nước, các địa phương thực hiện thành công và chia sẻ học tập kinh nghiệm.

– Vận động, kết nối, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân chuyên gia có chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương triển khai thực hiện; tư liệu hoá, tuyên truyền, lan toả các kết quả và ghi nhận, biểu dương các diển hình tiêu biểu.

2.3. Nhiệm vụ của địa phương:

– Cấp tỉnh, thành phố: Hội LHPN tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tập huấn hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho cấp huyện, xã về ứng dụng khoa học công nghệ cho tổ nhóm sinh kế; trực tiếp hỗ trợ cho các tổ nhóm sinh kế địa bàn điểm do tỉnh lựa chọn; thường xuyên giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho cấp huyện, xã; nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và kịp thời hỗ trợ tháo gỡ; Sơ kết, đánh giá hiệu quả, mức độ phù hợp và biểu dương khen thưởng các điển hình tiêu biểu; Tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, kết quả triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh và tư liệu hóa, tuyên truyền phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại địa phương; Chịu trách nhiệm chung về triển khai ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số theo yêu cầu của Dự án đặt ra đối với tỉnh.

– Cấp huyện, xã:

+ Truyền thông, nâng cao nhận thức cho các tổ nhóm sinh kế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giới thiệu, phổ biến quy trình hỗ trợ của Dự án. Công tác truyền thông đảm bảo đa dạng hình thức, thu hút sự quan tâm các đối tượng (hội thảo, hội nghị, toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm, truyền thông trực tiếp, trực tuyến,…).

+ Khảo sát nhu cầu, thực trạng của các tổ nhóm sinh kế, tổ chức tiếp nhận thông tin và phê duyệt lựa chọn các đối tượng phù hợp (tổ nhóm/HTX/HTX) để hỗ trợ triển khai theo quy định của Dự án 8 (định mức hỗ trợ theo quy định của Dự án tại Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/03/2022).

+ Trực tiếp hỗ trợ các tổ nhóm/THT/HTX xây dựng Đề xuất thực hiện chỉ tiết (bao gồm kế hoạch sản xuất kinh doanh, kết nối thị trường nhằm tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm…)

+ Kết nối với các tổ chức, đơn vị hỗ trợ, thúc đẩy các tổ nhóm sinh kế. Hội LHPN huyện chủ động, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn liên quan tại địa phương nhằm tập huấn và cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho các nhóm/THT/HTX trong quá trình triển khai hoạt động sinh kế và hỗ trợ quá trình triển khai các hoạt động theo nội dung đã phê duyệt.

+ Đồng hành, hỗ trợ tổ nhóm sinh kế thông qua các hoạt động như kết nối chuyên gia, đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ nguồn lực căn cứ định mức hỗ trợ theo quy định của Dự án tại Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/03/2022).

+ Hội LHPN xã trực tiếp giám sát, hỗ trợ, nắm bắt tình triển khai tại các Nhóm/THT/HTX và thông tin, báo cáo kịp thời cho Hội phụ nữ huyện.

+ Tổ chức các hoạt động truyền thông, giới thiệu về kết quả triển khai thực hiện trên kênh thông tin của xã, huyện, tỉnh; Hội LHPN huyện tiến hành sơ kết, đánh giá hiệu quả triển khai trên địa bàn huyện.

3. Hoạt động 3: Củng cố, nâng cao chất lượng/hoặc thành lập mới Địa chỉ tin cậy cộng đồng (ĐCTC) hỗ trợ bảo vệ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình

3.1. Hoạt động chính: Củng cố, nâng cấp ĐCTC ở cộng đồng hiện có hoặc thành lập mới ĐCTC theo quy định của pháp luật hiện hành; Tập huấn hướng dẫn cách thức vận hành và phương pháp hỗ trợ nạn nhân; Cung cấp các gói hỗ trợ trang bị vật dụng cần thiết để phục vụ cho hoạt động của ĐCTC theo quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/03/2022; Duy trì, nâng chất lượng hoạt động của mô hình.

3.2. Nhiệm vụ của Trung ương:

Rà soát, đánh giá hiện trạng mô hình hiện có và xác định nhu cầu thành lập mới mô hình tại địa bàn Dự án; Xây dựng, in ấn tài liệu/sổ tay hướng dẫn thành lập, vận hành và quản lý ĐCTC cộng đồng, các tài liệu hỗ trợ sinh hoạt mô hình và cung cấp tới các tỉnh, thành; Tổ chức tập huấn, hướng dẫn Hội LHPN các tỉnh, thành; Triển khai chỉ đạo điểm mô hình tại một số địa bàn làm cơ sở rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, nhân rộng mô hình; Tổ chức các hội thảo/diễn đàn cấp toàn quốc chia sẻ, vận động, nhân rộng mô hình; Giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương triển khai.

3.3. Nhiệm vụ của địa phương:

Cấp tỉnh, thành phố: Hội LHPN tỉnh chủ trì, phối hợp các ngành và địa phương tiến hành rà soát và đánh giá tình hình hoạt động của các ĐCTC hiện có để hỗ trợ củng cố, nâng chất lượng và xác định nhu cầu tại địa bàn mới làm cơ sở thành lập mô hình trên địa bàn tỉnh; Tập huấn hướng dẫn, củng cố năng lực triển khai mô hình cho cấp huyện và xã điểm của tỉnh; Triển khai điểm mô hình tại một số xã để rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, nhân rộng trên địa bàn tỉnh; giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho huyện, xã triển khai mô hình hiệu quả; Tổ chức các hội thảo/diễn đàn cấp tỉnh, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng, nhân rộng mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương; Phát triển tài liệu hỗ trợ hoạt động của mô hình phù hợp với thực tế.

– Cấp huyện: Hội LHPN huyện chủ trì, phối hợp với ngành liên quan tổ chức tập huấn hướng dẫn, nâng cao năng lực triển khai mô hình đến các xã (cán bộ xã, chủ ĐCTC cộng đồng); Trực tiếp giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các xã thành lập, vận hành, quản lý mô hình, duy trì phát huy hiệu quả mô hình; tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình giữa các xã, các chỉ ĐCTC trên địa bàn huyện; Tuyên truyền, giới thiệu về mô hình ĐCTC đến các tầng lớp hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn huyện.

Cấp xã: Hội LHPN xã chủ trì thành lập, vận hành, quản lý và củng cố, nâng chất lượng hoạt động của mô hình (bao gồm trang bị các gói hỗ trợ vật dụng cần thiết để phục vụ cho hoạt động của mô hình); Tổ chức giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa các chủ ĐCTC cộng đồng trên địa bàn xã; Tập huấn hướng dẫn củng cố năng lực cho chủ ĐCTC.

4. Hoạt động 4: Thí điểm và nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người

4.1. Nội dung hoạt động: Hỗ trợ học nghề, nâng cao kiến thức, nhận thức và tiếp cận với dịch vụ tư vấn giải quyết việc làm giúp phụ nữ và trẻ em gái bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng, cải thiện đời sống thông qua tham gia mô hình, tổ/nhóm sinh kế của Hội. Kết nối và hỗ trợ phụ nữ bị buôn bán sau khi được học nghề, tập huấn được tiếp cận các nguồn vốn để tạo sinh kế, sản xuất, khởi nghiệp…

4.2. Nhiệm vụ của Trung ương:

– Xây dựng tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn tới cấp tỉnh, thành phố triển khai thực hiện theo yêu cầu của Dự án.

– Trực tiếp triển khai điểm tại một số địa phương và rút kinh nghiệm, tư liệu hoá các cách làm mới, hay để tuyên truyền, nhân rộng trong cả nước.

– Vận động, kết nối, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân có chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương triển khai thực hiện.

– Thường xuyên kiểm tra, giám sát, hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn/vướng mắc trong quá trình thực hiện.

4.3. Nhiệm vụ của địa phương:

Cấp tỉnh, thành phố: Hội LHPN tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tập huấn hướng dẫn triển khai tới Hội LHPN các huyện và địa bàn điểm (chú trọng tập huấn, hướng dẫn triển khai mô hình sinh kế, hỗ trợ học nghề và tiếp cận dịch vụ tư vấn giải quyết việc làm; hướng dẫn kỹ năng truyền thông, tư vấn tâm lý cho các cá nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng); Triển khai chỉ đạo điểm mô hình tại một số địa bàn do tỉnh lựa chọn và rút kinh nghiệm; Phối hợp, kết nối hỗ trợ học nghề, phát triển sinh kế, nâng cao kiến thức và tiếp cận với dịch vụ tư vấn giải quyết việc làm giúp phụ nữ bị mua bán trở; Tổ chức các hoạt động kết nối, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm từ các mô hình sinh kế do phụ nữ sản xuất; Tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, kết quả triển khai trên địa bàn tỉnh và tuyên truyền, lan tỏa trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại địa phương; Thường xuyên giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho cấp huyện, xã để nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và kịp thời hỗ trợ tháo gỡ.

– Cấp huyện: Hội LHPN huyện chủ động, phối hợp với các ngành liên quan tập huấn hướng dẫn Hội LHPN xã triển khai triển khai thực, trong đó chú trọng hướng dẫn kỹ thuật cho phụ nữ triển khai mô hình sinh kế hiệu quả, kết nối hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn việc làm phù hợp với nhu cầu thực tế của phụ nữ; Tổ chức các hoạt động kết nối, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm do phụ nữ sản xuất; giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho phụ nữ xã trong quá trình triển khai thực hiện, đánh giá lựa chọn các đề xuất mô hình phù hợp để hỗ trợ phụ nữ triển khai; Sơ kết, đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm trên địa bàn huyện.

– Cấp xã: Hội LHPN xã chủ trì tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động phụ nữ là nạn nhân mua bán người tham gia vào hoạt động Hội, tham gia Tổ TKVVTB và các mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ/hoặc tham gia quản lý hiện có trên địa bàn; Trực tiếp rà soát, nắm bắt thông tin, nhu cầu, mong muốn và lập danh sách phụ nữ là nạn nhân bị mua bán tại địa bàn xã và đề xuất phương án hỗ trợ với Hội LHPN cấp trên và UBND cùng cấp; Hướng dẫn phụ nữ xây dựng đề xuất chi tiết (triển khai mô hình sinh kế, học nghề…) và đánh giá, lựa chọn đề xuất phù hợp để hỗ trợ nguồn lực triển khai (định mức hỗ trợ theo quy định của Dự án tại Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/03/2022); Trực tiếp giám sát, hỗ trợ phụ nữ quản lý, sử dụng hiệu quả ngân sách được hỗ trợ từ Dự án để phát triển sinh kế, cải thiện cuộc sống.