cẩm nang số

về hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Hướng dẫn

[Dự án 08] Hướng dẫn thực hiện: Hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em

I. Hoạt động 1: THÀNH LẬP VÀ DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ TRUYỀN THÔNG CỘNG ĐỒNG (khuyến khích sự tham gia của nam giới tiên phong trong tuyên truyền)

1. Nội dung hoạt động:

Xây dựng tài liệu/sổ tay hướng dẫn xây dựng, vận hành mô hình và tập huấn hướng dẫn đến các cấp Hội; Thành lập và vận hành hoạt động mô hình; Xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số (ứng dụng zalo/facebook) trong công tác truyền thông, chia sẻ, cập nhật thông tin của tô truyền thông; Giám sát, đánh giá mô hình và chia sẻ, vận động, nhân rộng.

2. Nhiệm vụ của Trung ương:

Xây dựng, in ấn tài liệu/sổ tay hướng dẫn thành lập, quản lý và vận hành hoạt động của Tổ truyền thông cộng đồng, các tài liệu sinh hoạt mô hình và cung cấp tới các tỉnh, thành; Hướng dẫn các tỉnh, thành xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số để chia sẻ, lan tỏa hoạt động của các Tổ truyền thông trên các phương tiện truyền thông; Tổ chức tập huấn xây dựng giảng viên nguồn cấp tỉnh, thành; Chỉ đạo điểm tại một số địa phương đềnrút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, nhân rộng mô hình; Tổ chức các hội thảo/diễn đàn cấp toàn quốc để chia sẻ, vận động, nhân rộng mô hình; Giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương triển khai mô hình; Đánh giá hiệu quả, tác động của mô hình để chỉ đạo nhân rộng.

3. Nhiệm vụ của Địa phương:

– Cấp tỉnh, thành phố: Hội LHPN tỉnh chủ trì, phối hợp các ngành liên quan và chính quyền tại địa bàn Dự án tiến hành rà soát, xác định nhu cầu thành lập mới, nâng chất lượng mô hình hiện có; Tập huấn hướng dẫn, củng cố năng lực triển khai mô hình cho cấp huyện và xã điểm của tỉnh; Chỉ đạo điểm mô hình tại một số xã để rút kinh nghiệm cho công tác triển khai, nhân rộng trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hội thảo/diễn đàn cấp tỉnh giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng, nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh, phù hợp với điều kiện của địa phương; Xây dựng, phát triển tài liệu sinh hoạt của tổ truyền thông phù hợp với địa phương; Trực tiếp truyền thông và hướng dẫn cấp huyện, xã xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số (zalo, fanpage…) chia sẻ, lan tỏa hoạt động của các Tổ truyền thông; Giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho cấp huyện, xã triển khai mô hình hiệu quả.

Cấp huyện: Hội LHPN huyện chủ trì tổ chức tập huấn hướng dẫn, củng cố nâng cao năng lực triển khai mô hình đến các xã (cán bộ xã, tuyên truyền viên các tổ/nhóm truyền thông); Trực tiếp giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các xã thành lập, vận hành, quản lý mô hình, duy trì bền vững gắn với hoạt động của chi hội phụ nữ; Tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình giữa các xã trên địa bàn huyện; Truyền thông trên nên tảng số (website, zalo/fanpage) của Hội LHPN huyện về hoạt động của các Tổ truyền thông trên địa bàn huyện và hướng dẫn, hỗ trợ Hội phụ nữ xã thực hiện.

– Cấp xã: Hội LHPN xã trực tiếp thành lập, quản lý, duy trì hoạt động của Tổ truyền thông cộng đồng; Hỗ trợ ban đầu cho Tổ truyền thông trang bị các thiết bị cơ bản như tăng âm, loa đài phục vụ hoạt động truyền thông trên cơ sở rà soát những thiết bị đã được trang bị tại thôn/bản/ấp/buôn; Hỗ trợ tổ truyền thông cụ thể hoá nội dung truyền thông theo chủ đề phù hợp với địa phương, truyền thông tại các buổi hội họp của thôn/bản/ấp/buôn; Xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số (ứng dụng zalo/facebook trong công tác truyền thông, chia sẻ, cập nhật thông tin của tổ truyền thông); Tổ chức giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ truyền thông trên địa bàn xã; Giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho đội ngũ tuyên truyền viên trực tiếp điều hành tổ/nhóm truyền thông.

II. Hoạt động 2: THỰC HIỆN CÁC CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG XOÁ BỎ ĐỊNH KIẾN VÀ KHUÔN MẪU GIỚI, XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG SỐNG AN TOÀN CHO PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM

1. Nội dung hoạt động:

– Xây dựng chương trình truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức các trên kênh truyền thông đại chúng tại các cấp, tập trung vào các nội dung thúc đẩy xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em (như vần đề bạo lực, xâm hại, mua bán phụ nữ và trẻ em, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, an toàn trước thiên tai, biến đổi khí hậu và các vấn đề cấp thiết khác liên quan đến phụ nữ, trẻ em….)

– Tổ chức các sự kiện truyền thông phù hợp tại mỗi cấp, với các hình thức đa dạng phù hợp với địa phương như: kết hợp tuyên truyền các trên kênh truyền thông đại chúng tại các cấp, trên internet, mạng xã hội; tổ chức sự kiện truyền thông quy mô khu vực, toàn quốc và truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, qua sinh hoạt tổ/nhóm, sân khấu hóa, diễn đàn trao đổi/chia sẻ …

– Nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức triển lãm góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.

– Xây dựng tài liệu, ấn phẩm truyền thông và số hóa tài liệu, mô hình truyền thông dưới dạng video, hình ảnh phù hợp với đối tượng, vùng miền, dân tộc để chia sẻ, lan tỏa qua các kênh thông tin trên nền tảng số. Nội dung tài liệu tập trung vào thúc đẩy xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới và nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em liên quan đến vần đề bạo lực, xâm hại, phòng ngừa mua bán phụ nữ và trẻ em, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, an toàn trước tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em tai đia phương…

– Đánh giá hiệu quả, tác động của các hoạt động truyền thông quy mô toàn quốc và tại mỗi tỉnh làm cơ sở chỉ đạo, điều chỉnh các nội dung, hình thức phù hợp với thực tiễn.

2. Nhiệm vụ của Trung ương:

– Xây dựng, ban hành Chiến lược truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi; tập huấn hướng dẫn triển khai tới cấp tỉnh, thành phố.

– Chủ động, phối hợp với các cơ quan truyền thông triển khai chương trình truyền thông trên các kênh truyền thông quốc gia (Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam) và các kênh truyền hình cấp Trung ương, các trang báo liên quan, Cổng thông tin điện tử, Fanpage của Hội LHPN Việt Nam.

– Xây dựng tài liệu truyền thông nâng cao nhận thức xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, tài liệu tuyên truyền hướng dẫn xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em cung cấp cho các địa phương.

– Tổ chức các sự kiện truyền thông trực tiếp tại cấp Trung ương, khu vực vùng miền.

3. Nhiệm vụ của địa phương:

– Các tỉnh, huyện, xã chủ động, phối hợp với các cơ quan truyền thông tại địa phương xây dựng chương trình truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng phù hợp tại mỗi cấp. Các chương trình sẽ được phát trên sóng phát thanh, truyền hình cấp tỉnh, huyện và trên hệ thống loa phát thanh xã/phương bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc.

– Tổ chức các sự kiện truyền thông (dưới hình thức diễn đàn, sân khấu hóa, truyền thông trong dịp lễ hội, phiên chợ, khuyến khích nam giới tiên phong tham gia, … ); Hàng năm, đánh giá kết quả, tác động của hoạt động truyền thông và xác định nội dung, hình thức truyền thông năm tiếp theo.

– Phát triển, nhân bản các ấn phẩm truyền thông (tài liệu, tờ gấp, tranh lật, áp phích, clip…) và số hóa tài liệu truyền thông dưới dạng video phù hợp với nhận thức, đặc điểm văn hóa, bản sắc dân tộc của địa phương.

III. Hoạt động 3: HỘI THI, LIÊN HOAN CÁC MÔ HÌNH SÁNG TẠO, HIỆU QUẢ TRONG XOÁ BỎ ĐỊNH KIẾN GIỚI, BẠO LỰC GIA DIDNHF VÀ MUA BÁN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM

1. Nội dung hoạt động:

Tổ chức các cuộc thi tìm kiếm sáng kiến, giải pháp, mô hình truyền thông hiệu quả thay đổi “Nếp nghĩ, cách làm” tại cấp tỉnh và Trung ương; Tư liệu hóa các sáng kiến, giải pháp, mô hình hiệu quả từ cuộc thi và tuyên truyên, nhân rộng.

2. Nhiệm vụ của Trung ương:

– Phát động cuộc thi tìm kiếm sáng kiến, giải pháp trên phạm vi toàn quốc và tổ chức đánh giá, lựa chọn, biểu dương tại cấp Trung ương.

– Tổ chức liên hoan giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong truyền thông xóa bỏ định kiến giới, phòng ngừa bạo lực gia đình, và mua bán phụ nữ, trẻ em.

– Tư liệu hóa các mô hình, sáng kiến, giải pháp hiệu quả (dưới dạng tài liệu, Clip, hình ảnh) để tuyên truyền, vận động, nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

3. Nhiệm vụ của địa phương:

– Hội LHPN cấp tỉnh, huyện, xã phối hợp các ngành liên quan triển khai các cuộc thi do Trung ương phát động đến các tầng lớp hội viên, phụ nữ, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh và tổ chức đánh giá sơ khảo, lựa chọn sáng kiến tiêu biểu tại tỉnh, thành phố gửi về Trung ương đánh giá, trao giải.

– Chủ động tổ chức các cuộc thi, liên hoan cấp tỉnh, huyện, xã chia sẻ mô hình, tìm kiếm sáng kiến, giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong truyền thông xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại, mua bán phụ nữ, trẻ em phù hợp với tình hình địa phương; tư liệu hóa và chia sẻ, vận động, nhân rộng các mô hình, sáng kiến hiệu quả, thiết thực trên địa bàn tỉnh, huyện, xã.

IV. Hoạt động 4: TRIỂN KHAI 04 GÓI CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHỤ NỮ DTTS SINH ĐẺ AN TOÀN VÀ CHĂM SÓC SỨC KHOẺ TRẺ EM

1. Nhiệm vụ của Trung ương:

– Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp Bộ Y tế hướng dẫn triển khai thực hiện 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em trong Dự án 7, Dự án 8, trong đó hướng dẫn các cấp Hội địa phương phối hợp với ngành y tế cùng cấp triển khai hỗ trợ từ gói chính sách đến bà mẹ, hướng dẫn thực hiện tuyên truyền, vận động phụ nữ đi khám thai, sinh con tại cơ sở y tế, làm mẹ an toàn và tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của gói hỗ trợ trong các chiến dịch truyền thông tại cơ sở và trong các buổi sinh hoạt tại chi tổ phụ nữ.

– Xây dựng tài liệu truyền thông hướng dẫn làm mẹ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em, cung cấp tới các tỉnh, thành.

– Giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương triển khai thực hiện gói chính sách hỗ trợ đảm bảo đúng quy định.

– Nghiên cứu đánh giá kết quả, tác động triển khai gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em và đề xuất phương thức, lộ trình triển khai giai đoạn tiếp theo…

2. Nội dung cụ thể của 04 gói chính sách và nhiệm vụ của địa phương

2.1. Gói 1 – Chăm sóc trước sinh:

– Tuyên truyền, vận động phụ nữ có thai đi khám thai định kỳ tại cơ sở y tế.

Nhiệm vụ của địa phương:

– Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc bà mẹ trong thời gian thai kỳ và vận động chị em đi khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế.

– Thực hiện giám sát việc triển khai gói chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em theo quy định.

– Hội phụ xã phối hợp với trạm y tế xã, mạng lưới y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản tuyên truyền, phổ biến 04 gói chính sách hỗ trợ về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em (trong dự án 7, dự án 8) theo hướng dẫn của Bộ Y tế và hướng dẫn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam; Phối hợp thống kê, tổng hợp các số liệu liên quan trong quá trình thực hiện.

2.2. Gói 2 – Hỗ trợ chăm sóc trong sinh:

– Hỗ trợ chi phí đi lại cho bà mẹ và 01 người nhà chăm sóc khi đến sinh con tại cơ sở y tế.

– Hỗ trợ gói vật tư chăm sóc khi sinh gồm bỉm sơ sinh, băng vệ sinh cho bà mẹ, tã lót, áo sơ sinh, mũ, bao tay, bao chân em bé, khăn lau bé, túi đo lượng máu mất lúc sinh. tế.

– Hỗ trợ tiền ăn cho bà mẹ và người chăm sóc khi đến sinh con tại cơ sở y

Nhiệm vụ của địa phương:

– Hội LHPN các tỉnh, huyện hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ Hội LHPN cơ sở triển khai thực hiện.

– Hội LHPN xã chủ trì, phối hợp với Trạm y tế xã trực tiếp chi trả các chế độ và thanh quyết toán các khoản chi hỗ trợ cho bà mẹ và người chăm sóc.

– Thời điểm chi trả: Chi trả cho bà mẹ trong thời gian bà mẹ sinh con tại cơ sở y tế.

– Yêu cầu chứng từ thanh quyết toán, gồm: (1) Lập bảng kê chi hỗ trợ: bao gồm các nội dung (họ và tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư/căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ của người được hỗ trợ; nội dung hỗ trợ, số tiền hỗ trợ, chữ ký/dấu tay điểm chỉ của người được hỗ trợ; xác nhận của Hội phụ nữ cơ sở nơi cư trú và Trạm y tế xã. (2) Phô tô giấy chứng sinh.

2.3. Gói 3 – Hỗ trợ chăm sóc sau sinh:

– Hỗ trợ 01 lần lương thực, dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con bú trong 6 tháng đầu sau sinh.

Nhiệm vụ của địa phương:

– Hội LHPN các tỉnh, huyện hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ Hội LHPN cơ sở triển khai thực hiện.

– Hội LHPN xã chủ trì, phối hợp với Trạm y tế xã trực tiếp chi trả chế độ cho bà mẹ.

– Thời điểm chi trả cho bà mẹ: khi bà mẹ đưa con đến khám sức khỏe trong vòng vòng 6 sáng sau sinh tại Trạm y tế xã.

– Yêu cầu chứng từ thanh quyết toán, gồm: (1) Lập bảng kê chi hỗ trợ: bao gồm các nội dung (họ và tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư/căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ của người được hỗ trợ; nội dung hỗ trợ, số tiền hỗ trợ; chữ ký/dấu vân tay điểm chỉ của người được hỗ trợ; Xác nhận của Hội phụ nữ cơ sở nơi cư trú. (2) Phô tô giấy chứng sinh.

– Hội LHPN cơ sở phối hợp với cơ sở y tế, mạng lưới y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản tuyên truyền, phổ biến các nội dung gói chính sách hỗ trợ về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em trong Dự án 7 (theo hướng dẫn của Bộ Y tế); phối hợp thống kê, tổng hợp các số liệu liên quan trong quá trình thực hiện gói chính sách.

2.4. Gói 4 – Chăm sóc sức khỏe trẻ em:

– Tuyên truyền, vận động bà mẹ đưa trẻ dưới 24 tháng tuổi đi khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế (4 lần/trẻ).

Nhiệm vụ của địa phương:

– Hội LHPN các cấp tại địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe, khám và theo dõi sức khỏe định kỳ cho trẻ trong vòng 2 năm đầu đời và quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ.

– Hội LHPN các cấp tại địa phương thực hiện giám sát việc triển khai gói chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em theo quy định, phù hợp với nhiệm vụ của từng cấp.

– Hội LHPN cơ sở phối hợp với cơ sở y tế, mạng lưới y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản tuyên truyền, phổ biến các nội dung gói chính sách hỗ trợ về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em trong Dự án 7 (theo hướng dẫn của Bộ Y tế); phối hợp thống kê, tổng hợp các số liệu liên quan trong quá trình thực hiện gói chính sách. (Các hỗ trợ bằng tiền và hiện vật nêu trên thực hiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 38 Thông tư 15/2022/TT-BTC, ngày 4/3/2022 của Bộ Tài chính, áp dụng chi trả cho các bà mẹ sinh con từ thời điểm được cấp ngân sách thực hiện Chương trình, theo đúng đối tượng được quy định trong Hướng dẫn này).