cẩm nang số

về hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Hướng dẫn

[Dự án 08] Hướng dẫn thực hiện hoạt động: Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị

1. Hoạt động 1: Đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong các vấn đề kinh tế xã hội tại địa phương

1.1. Nội dung hoạt động chính: Xây dựng tài liệu hướng dẫn đối thoại chính sách ở cấp cơ sở, tài liệu tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan và tập huấn hướng dẫn đến cán bộ các cấp triển khai thực hiện; Tổ chức các cuộc đối thoại chính sách ở cấp xã và cụm thôn bản đặc biệt khó khăn (tập trung vào các vấn đề: phụ nữ tham gia bình đẳng và chủ động trong thực hiện, giám sát các chủ trương, chính sách và tham gia ý kiến vào các vấn đề phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri và thực hành dân chủ tại cơ sở); Thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách, luật pháp, phản biện xã hội theo chủ đề/vấn đề do Hội chủ động đề xuất, chủ trì hoặc phối hợp các ngành liên quan thực hiện.

1.2. Nhiệm vụ của Trung ương: Biên soạn tài liệu hướng dẫn tổ chức đối thoại chính sách, tài liệu tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan và phát hành đến cấp tỉnh, thành; Tập huấn hướng dẫn các tỉnh, thành triển khai thực hiện; giám sát, việc thực hiện chính sách, pháp luật; phản biện xã hội đối với các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái, bình đẳng giới, đặc biệt các chính sách tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

1.3. Nhiệm vụ của địa phương:

– Cấp tỉnh, thành phố: Hội LHPN tỉnh tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các cuộc đối thoại chính sách cấp xã, cụm thôn bản và trực tiếp tổ chức các cuộc tọa đàm/đối thoại chính sách theo yêu cầu của Dự án; Tổ chức tập huấn hướng dẫn cho cán bộ huyện và xã triển khai thực hiện; Giám sát, phản biện và tham gia góp ý các văn bản liên quan đến chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức các cuộc đối thoại tại cấp tỉnh; Giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho huyện, xã tổ chức các cuộc đối thoại, tạo đàm chính sách.

– Cấp huyện: Hội LHPN huyện chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức các cuộc đối thoại chính sách cấp xã; Hỗ trợ kỹ thuật cho xã tổ chức tọa đàm đối thoại tại cụm thôn, bản; Tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử, đóng góp ý kiến xây dựng hệ thống chính trị, tham gia góp ý văn bản chính sách của cấp ủy cùng cấp; Biên tập và phổ biến kết quả đối thoại qua kênh thông tin truyền thông của huyện, hệ thống phát thanh của xã.

Cấp xã: Tổ chức các cuộc tọa đàm đối thoại trực tiếp với người dân tại cụm thôn bản (bao gồm thực hiện các hoạt động nghiên cứu nhỏ, tổ chức các buổi họp để trao đổi chuẩn bị câu hỏi tọa đàm); Tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử, tham gia đóng góp ý vào các văn bản chính sách của cấp ủy cùng cấp; Tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống loa phát thanh xã về công tác tọa đàm đối thoại trước, trong và sau khi thực hiện tọa đàm đối thoại.

2. Hoạt động 2: Đảm bảo tiếng nói và vai trò của trẻ em gái trong phát triển kinh tế xã hội tại cộng đồng thông qua mô hình CLB “thủ lĩnh của sự thay đổi”

2.1. Hoạt động chính: Xây dựng tài liệu hướng dẫn thành lập, vận hành CLB thủ lĩnh của sự thay đổi và tập huấn hướng dẫn triển khai đến các cấp (bao gồm các bộ Hội phụ nữ, giáo viên, trẻ em cốt cán); Thành lập và vận hành hoạt động CLB tại các trường học (cấp trung học cơ sở – THCS) và tại cộng đồng; Hỗ trợ hoạt động của các CLB, bao gồm: cung cấp tài liệu sinh hoạt CLB, tập huấn cách thức vận hành CLB, trang bị một số vật dụng cần thiết cho CLB tổ chức sinh hoạt; Hội thảo, diễn đàn chia sẻ, vận động, nhân rộng mô hình.

2.2. Nhiệm vụ của Trung ương: Xây dựng tài liệu hướng dẫn thành lập, quản lý, vận hành hoạt động CLB và các tài liệu chuyên đề hỗ trợ tổ chức các buổi sinh hoạt CLB, cung cấp tới các tỉnh, thành; Chỉ đạo điểm mô hình tại một số địa phương đại diện vùng miền để rút kinh nghiệm, làm cơ sở cho công tác chỉ đạo; Tập huấn hướng dẫn tới cấp tỉnh, thành phố và địa bàn điểm; Trung ương Hội phối hợp với bộ GD&ĐT chỉ đạo triển khai mô hình tại các tỉnh, thành địa bàn Dự án; Tổ chức các hoạt động giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, kết quả, vận động, nhân rộng mô hình ; và Phối hợp bộ GD &ĐT giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương triển khai và đánh giá hiệu quả, tác động của mô hình đối với trẻ em.

2.3. Nhiệm vụ của địa phương:

– Cấp tỉnh, thành phố: Hội LHPN tỉnh chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT tiến hành rà soát, xác định nhu cầu thành lập mô hình CLB trên địa bàn tỉnh; Tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội phụ nữ huyện, cán bộ phòng giáo dục huyện, giáo viên phục trách và các đối tượng liên quan về cách thức thành lập, vận hành hoạt động, quản lý CLB; định hướng cho cấp huyện, xã lựa chọn các trường, địa bàn cộng đồng để thành lập các CLB; xây dựng, in ấn các tài liệu chuyên đề phù hợp cung cấp cho CLB; Triển khai thí điểm CLB tại một số xã để rút kinh nghiệm, chỉ đạo; tổ chức các hội thảo, diễn đàn giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng chất lượng mô hình; Tư liệu hóa để tuyền tuyền, lan tỏa, nhân rộng trên địa bàn tỉnh; giám sát, hỗ trợ các xã, các trường triển khai mô hình; Sơ kết, đánh giá hiệu quả, tác động của mô hình trên địa bàn tỉnh.

– Cấp huyện: Hội LHPN huyện phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện tổ chức tập huấn hướng dẫn giáo viên, cán bộ phụ nữ xã, học sinh nòng cốt thành lập, vận hành CLB; Trực tiếp giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các xã, các trường thành lập, vận hành hiệu quả mô hình; Tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình giữa các trường trên địa bàn huyện; Tuyên truyền về mô hình trên các kênh thông tin tuyên truyền của huyện, phòng giáo dục, Hội phụ nữ huyện.

Cấp xã: Hội LHPN xã chủ trì phối hợp với Ban giám hiệu các trường THCS trực tiếp thành lập, quản lý và tổ chức vận hành hoạt động thường xuyên của CLB theo hướng dẫn và các tài liệu sinh hoạt mô hình; Tuyên truyền về các hoạt động của mô hình trên loa phát thanh xã, trang thông tin của trường học

3. Hoạt động 3: Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị

3.1. Nội dung hoạt động chính: Xây dựng tài liệu nâng cao năng lực cho cán bộ nữ người DTTS tại các cấp (gồm: cán bộ nữ trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, cán bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ mới trúng cử lần đầu) và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tại các cấp; Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương điển hình.

3.2. Nhiệm vụ của Trung ương: Xây dựng tài liệu và tập huấn xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn cho các tỉnh, thành phố; Trực tiếp tập huấn nâng cao năng lực cho các tỉnh địa bàn chỉ đạo điểm của Trung ương; vận động, đề xuất để có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Hội LHPN các cấp được đề xuất, giới thiệu nhân sự cho cán bộ nữ tiềm năng quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo.

3.3. Nhiệm vụ của địa phương:

– Cấp tỉnh, thành phố: Hội LHPN tỉnh phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan lựa chọn những cán bộ tiềm năng tham gia đội ngũ giảng viên nguồn của địa phương; Chủ trì rà soát lập danh sách cán bộ nữ trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, cán bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ mới trúng cử lần đầu tại cấp huyện, cấp xã để xây dựng kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực về các nội dung phù hợp với đối tượng; Chủ trì tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đối tượng cán bộ nữ nói trên tại cấp huyện, cấp xã; Hội phụ nữ phối hợp với các ngành, các cấp phát hiện, đề xuất, giới thiệu, bồi dưỡng nguồn cán bộ nữ tiềm năng quy hoạch các vị trí lãnh đạo, quản lý; tổ chức cho cán bộ đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các địa phương khác trong nước.

– Cấp huyện, xã: Hội LHPN nữ phối hợp với các ngành liên quan rà soát lập danh sách cán bộ nữ trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, cán bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ mới trúng cử lần đầu tại cấp xã và đề xuất cho tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực do Hội cấp trên tổ chức; Phát hiện, đề xuất, giới thiệu, bồi dưỡng nguồn cán bộ nữ tiềm năng quy hoạch các vị trí lãnh đạo, quản lý cấp ủy, chính quyền, các ngành cùng cấp; Tổ chức cho cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại địa bàn khác trong tỉnh.