cẩm nang số

về hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Hướng dẫn

[Dự án 06] Hướng dẫn thực hiện hoạt động “Hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái vùng đồng bào dân tộc thiểu số”

I. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN

Các mô hình cho di sản tiêu biểu thuộc các loại hình di sản văn hóa phi vật thể và các mô hình đối với di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh tại địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

II. NỘI DUNG HỖ TRỢ

Hỗ trợ theo quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền; đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.

III. TIÊU CHÍ VỀ KHOA HỌC ĐỐI VỚI KHU VỰC CHỌN THIẾT LẬP MÔ HÌNH BẢO TÀNG SINH THÁI

– Khu vực lưu giữ những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và những ký ức cộng đồng;

– Khu vực có sự tham gia thực hành (di sản văn hóa) và vận hành (bảo tàng) của cộng đồng chủ thể di sản văn hóa;

– Khu vực còn bảo lưu được lãnh thổ sinh tồn, môi trường sinh thái – nhân văn;

– Khu vực còn bảo lưu được công trình kiến trúc công cộng và dân dụng truyền thống;

– Khu vực có hạ tầng cơ sở và đảm bảo giao thông tiếp cận;

– Khu vực có tiềm năng của điểm đến du lịch;

– Khu vực có sự tham gia đồng thuận, có hiểu biết của các bên liên quan.

IV. THỰC HIỆN QUY TRÌNH

– Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch (gọi tắt là Sở) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có Tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa) hỗ trợ đầu tư dự án Mô hình thí điểm Bảo tàng sinh thái tại địa phương mình;

– Cục Di sản văn hóa phối hợp Sở tổ chức điều tra, khảo sát địa điểm đề xuất dự án theo các tiêu chí quy định tại mục III nêu trên;

– Căn cứ kết quả khảo sát, Sở báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương xin cấp phép, lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch và các phương án sơ bộ.

– Trên cơ sở quy hoạch, phương án sơ bộ được phê duyệt, chủ đầu tư tổ chức thực hiện dự án đầu tư công theo quy định pháp luật hiện hành để thiết lập mô hình;

– Cộng đồng chủ thể tại khu vực được lựa chọn thực hiện việc bảo vệ, giới thiệu và quản lý di sản theo hướng dẫn chuyên môn để vận hành mô hình;

– Chính quyền địa phương hỗ trợ cộng đồng trong hoạch định, quản lý và định hướng cho bảo tàng; Sở và Bảo tàng địa phương hướng dẫn về nghiệp vụ;

– Cục Di sản văn hóa và Sở hỗ trợ cộng đồng và chính quyền địa phương vận hành mô hình và triển khai kế hoạch quản lý và quảng bá.

V. GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN

Giai đoạn 1 – Giai đoạn định hình, gồm 5 bước:

– Nghiên cứu khoa học và khảo sát

– Xác định khu vực thiết lập bảo tàng sinh thái.

– Quy hoạch khu vực hoàn chỉnh cho bảo tàng

– Xây dựng phương án tái tạo không gian văn hóa cho bảo tàng

– Xây dựng cộng đồng vận hành bảo tàng

Giai đoạn 2 – Giai đoạn chuẩn bị, gồm 4 bước:

– Khảo sát, lựa chọn di sản

– Hợp thức hoá về pháp lý các di sản để bảo vệ tại Bảo tàng sinh thái

– Xây dựng nội dung hoạt động của Bảo tàng sinh thái

– Cải tạo môi trường khu vực

Giai đoạn 3 – Giai đoạn thực hiện, gồm 3 bước:

– Nghiên cứu vận hành bảo tàng

– Thử nghiệm vận hành bảo tàng với sự tham gia của cộng đồng

– Lập kế hoạch quản lý và quảng bá.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách Trung ương

1.1. Bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bổ sung có mục tiêu cho các địa phương để triển khai Dự án 6 theo Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg).

1.2. Nguốn vốn đầu tư Trung ương hỗ trợ đối với các nhiệm vụ:

– Hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số;

– Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số;

– Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu;

– Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

– Hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái nhằm bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, hướng tới phát triển cộng đồng và phát triển du lịch.

1.3. Nguồn vốn sự nghiệp Trung ương hỗ trợ đối với các nhiệm vụ còn lại của Dự án 6.

2. Ngân sách địa phương

2.1. Các địa phương tự cân đối được ngân sách: 100% kinh phí thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Dự án được bố trí từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác trên địa bàn.

2.2. Các địa phương còn lại bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương với tỷ lệ tương ứng theo quy định tại Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác trên địa bàn để thực hiện, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao.

3. Định mức kinh phí cho các nhiệm vụ

3.1. Nội dung, mức chi cụ thể cho các nhiệm vụ của Dự án 6 thực hiện theo Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04 tháng 3 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025.

3.2. Việc lập dự toán, phân bổ dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí Chương trình thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Đầu tư công, các văn bản hướng dẫn Luật.

4. Cơ chế, chính sách hỗ trợ; quản lý thực hiện Dự án:

a) Ngân sách trung ương hỗ trợ cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách; các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương thấp và có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ưu tiên bố trí ngân sách trung ương đầu tư các công trình giao thông cho các xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; đầu tư công trình giao thông kết nối, công trình điện lưới quốc gia phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho các huyện nghèo có nhiều xã biên giới, xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn; đầu tư trường dân tộc nội trú cho các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có nhiều xã đặc biệt khó khăn nhưng chưa có địa điểm hoặc phải thuê địa điểm hoạt động.

b) Bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương của Chương trình để thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ sau:

– Triển khai Đề án thí điểm, chỉ đạo điểm của Ban Chỉ đạo Trung ương tại một số địa phương được Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt;

– Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

c) Thực hiện cơ chế hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt dựa trên quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương; ưu tiên hỗ trợ cho các hộ dân tộc thiểu số là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự nguyện đăng ký tham gia dự án thông qua nhóm hộ, cộng đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách nhà nước, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định thực hiện việc cho vay ưu đãi, nguồn vốn lồng ghép thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, nguồn vốn đối ứng của hộ gia đình.

d) Xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

đ) Xây dựng và ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình;

e) Xây dựng và ban hành chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình.

PHỤ LỤC CÁC BIỂU MẪU VÀ VĂN BẢN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN

  • Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025
  • Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04 tháng 3 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025
  • Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2023 Quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025
  • Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025