Máy nén khí trục vít có dầu là thiết bị quan trọng trong ngành sản xuất công nghiệp hiện nay. Để giúp các bạn hiểu rõ về máy, trong bài viết ngày hôm nay chúng tôi xin chia sẻ với các bạn về cấu tạo của máy nén khí trục vít có dầu.
Khái quát chung về máy nén khí trục vít có dầu
Máy nén khí trục vít có dầu là một thiết bị công nghiệp tạo ra áp lực cho khí. Được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp sản xuất không yêu cầu cao về độ sạch của khí nén như công nghiệp dệt may, chế tạo máy móc, lắp ráp…Máy thường có giá thành rẻ hơn so với máy nén khí trục vít không dầu.
Máy bơm khí trục vít có dầu hoạt động dựa trên nguyên lý như sau: Thiết bị sẽ hút không khí từ bên ngoài vào trong máy và tiến hành nén khí, sau khi khí đã được nén sẽ được trộn với dầu bôi trơn và được đưa vào khoang lọc của máy. Thông qua bộ phận lọc khí và dầu sẽ được tách ra và dẫn theo hai đường ống. Khí được dẫn ra từ đường ống phía trên còn dầu được dẫn ra từ đường ống phía dưới. Để có nhiệt độ làm mát chuẩn theo yêu cầu dầu sẽ được làm nguội bằng ống dẫn qua quạt gió và đi qua rơ le nhiệt rồi trở về bình chứa dầu. Còn với khí nén sau khi được dẫn qua bộ phận làm mát sẽ đi tới hệ thống điều khiển.
Cấu tạo máy nén khí trục vít có dầu bao gồm các bộ phận
1. Lọc khí đầu vào
Lọc khí đầu vào có chức năng là lọc bỏ bụi bẩn cùng các tạp chất, ngăn cho chúng không đi vào bên trong máy nén khí trục vít có dầu. Cấp lọc thường có kích thước là 10 micron. Tuổi thọ của cấp lọc rơi vào khoảng 2000 đến 4000 giờ tùy thuộc vào chất liệu của cấp lọc cùng môi trường không khí xung quanh. Trong quá trình sử dụng các bạn nên tiến hành vệ sinh cấp lọc sau 500 giờ làm việc để giúp cấp lọc có hiệu suất lọc tốt.
2. Van cửa nạp
Van cửa nạp là bộ phận có vai trò vô cùng quan trọng nó giúp cho máy nén khí có thể chuyển từ chế độ chạy không tải sang có tải và ngược lại, bằng cách đóng van ngăn không cho dòng khí từ bên ngoài vào đầu nén hoặc mở van để dòng khí đi vào. Bên cạnh đó van cửa nạp còn có chức năng ngăn không cho dầu từ trong máy đi vào lọc khí khi máy dừng. Trong trường hợp van đóng mở không đúng chu trình các bạn nên tiến hành kiểm tra van điện từ điều khiển đóng mở.
3. Đầu nén
Đầu lọc được ví như trái tim của máy nén khí trục vít có dầu với chức năng nén không khí có áp suất thấp lên áp suất cao đồng thời luân chuyển dầu làm mát tuần hoàn bên trong máy. Đầu nén có cấu tạo bao gồm hai trục vít hình xoắn ốc ăn khớp với nhau, khi hai trục vít này quay sẽ làm thay đổi thể tích khí nén đi vào trong vỏ đầu nén. Thể tích không khí từ van cửa nạp khi đi vào đầu nén sẽ bị giảm dần và tạo ra áp suất của khí nén.
Các bạn cần lưu ý rằng chiều quay của hai trục vít chỉ có một chiều nếu chúng quay ngược chiều quay có thể sẽ phá hủy đầu nén. Hai trục vít này được đỡ bằng ổ bi với tuổi thọ khoảng 24000 đến 30000 giờ làm việc.
4. Khoang truyền động
Đây là bộ phận cầu nối giữa động cơ và đầu nén của máy. Đóng vai trò truyền chuyển động từ động cơ đến hai trục vít. Cấu tạo của khoang truyền động bao gồm gồm hộp số và coupling. Hộp số có hai bánh răng thực hiện nhiệm vụ truyền chuyển động với trục vít đầu nén. Còn Coupling truyền chuyển động giữa động cơ và hộp số, làm giảm rung động và chống lệch tâm. Tuổi thọ của coupling trong khoảng 8000 giờ đến 16000 giờ.
5. Động cơ chính
Động cơ chính của máy thông thường sẽ là động cơ 3 pha với tần số 50 Hz. Công suất của động cơ chính cũng là công suất của máy nén khí. Động cơ của máy nén khí trục vít có dầu thường được ứng dụng công nghệ chế tạo TEFC hoặc ODP. Đạt tiêu chuẩn IP23 đến IP55 tùy thuộc vào nhà sản xuất. Động cơ là bộ phận quan trọng nhất trong máy nén khí trục vít có dầu do đó các bạn cần thường xuyên kiểm tra động cơ và tiến hành bơm mỡ ổ bi định kỳ.
6. Bình tách dầu
Bình tách dầu là nơi chứa hỗn hợp khí và dầu được đưa vào từ đầu nén. Bình tách dầu có chứa lọc tách dầu ở bên trong.
7. Van áp suất tối thiểu
Đây là van một chiều được có lực lò xo nhất định. Khi khí nén trong bình tách dầu đạt đến một giá trị nhất định thắng được lực của lò xo và thoát ra ngoài. Chức năng của van áp suất tối thiểu là sinh ra áp suất trong bình tách dầu làm cho dầu luân chuyển tuần hoàn bên trong máy trong quá trình máy chạy không tải. Một nhiệm vụ quan trọng nữa của van này đó chính là ngăn không cho khí nén từ hệ thống ngoài bị đẩy ngược vào bên trong máy.
8. Quạt làm mát
Quạt làm mát là bộ phận có chức năng làm mát dầu, mát khí…bằng gió.
9. Giàn giải nhiệt khí
Có nhiệm vụ làm mát khí nén trước khi khí được đưa ra ngoài hệ thống. Giàn này thường được chế tạo bằng nhôm, được thiết kế với nhiều rãnh nhỏ nhằm làm tăng lưu lượng khí đi qua.
10. Bộ tách nước
Khi khí nóng từ bình tách dầu đi qua giàn làm mát khí sẽ được tiến hành hạ nhiệt độ đột ngột, hơi nước có trong khí nén sẽ ngưng tụ lại ở bầu tách nước dựa theo lực ly tâm.
11. Van xả nước tự động
Van này có cơ chế hoạt động là tự động xả nước có bên trong bộ tách nước ra bên ngoài khi mức nước trong bộ tách nước đạt đến ngưỡng nào đó theo cài đặt của người vận hành máy.
12. Van tổng của máy nén khí
Van tổng của máy nén khí trục vít có dầu có nhiệm vụ là cách ly máy và hệ thống khí nén bên ngoài.
13. Giàn làm mát dầu
Đây là bộ phận có vai trò làm mát dầu máy nén khí trước khi được đưa về để làm mát cho đầu nén và hòa trộn với khí đầu van để thực hiện chu trình tiếp theo.
14. Lọc tách dầu khí
Được chế tạo từ thép bên trong là lõi lọc có các lớp giấy thủy tinh có chức năng giữ lại dầu đồng thời cho khí nén thoát ra. Lớp lọc này có tuổi thọ từ 2000-4000 giờ làm việc tùy thuộc vào điều kiện vận hành cũng như chất lượng dầu.
15. Lọc dầu
Có Chức năng lọc bỏ tạp chất khỏi dầu làm mát trước khi dầu được đưa vào đầu nén. Tuổi thọ của lọc dầu rơi vào khoảng từ 2000 giờ đến 8000 giờ tùy theo chất lượng của lớp lọc cùng điều kiện vận hành máy.
16. Van hằng nhiệt
Có nhiệm vụ luân chuyển dầu lên giàn làm mát hoặc đưa thẳng vào đầu nén, tùy thuộc theo nhiệt độ môi trường cũng như nhiệt độ của dầu máy nén khí.
Trong bài viết là toàn bộ những chia sẻ của chúng tôi về cấu tạo máy nén khí trục vít có dầu cùng chức năng của từng bộ phận. Hy vọng bài viết có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về thiết bị nén khí trục vít có dầu.